Khai thác nguồn lợi phù sa từ mùa nước nổi

Cập nhật, 09:52, Thứ Năm, 22/09/2022 (GMT+7)
Ngoài xả lũ lấy phù sa, nông dân Vĩnh Long còn triển khai nuôi trồng, khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Trong ảnh: Nuôi tôm trên ruộng nước xả lũ.
Ngoài xả lũ lấy phù sa, nông dân Vĩnh Long còn triển khai nuôi trồng, khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Trong ảnh: Nuôi tôm trên ruộng nước xả lũ.

(VLO) Xu thế lũ ở vùng ĐBSCL càng nhỏ, nhưng hoạt động trồng trọt càng gia tăng cùng với việc đóng cống ngăn lũ triệt để làm cho tài nguyên đất, nguồn lợi thủy sản tự nhiên càng kiệt quệ. Vì vậy, tranh thủ lúc này nước lên, dân đồng bằng cần lấy phù sa vào đồng để cân bằng trạng thái tự nhiên vốn có của đồng ruộng.

Sông, rạch chở phù sa

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT), trong giai đoạn năm 2000- 2010, hàng năm sông Mekong đem về cho ĐBSCL khoảng 510 tỷ m3 nước, trong đó 80- 85% tập trung vào mùa lũ và từ 15- 20% tập trung vào mùa kiệt.

Nước sông chứa nhiều phù sa (trầm tích lơ lửng). Tại các cửa sông vào ĐBSCL là Tân Châu và Châu Đốc, mùa lũ có hàm lượng phù sa từ 500- 1.000 mg/l, mùa kiệt là 200- 500 mg/l. Ở các cửa sông vào nội đồng, hàm lượng phù sa từ 200- 300 mg/l trong mùa lũ và 50- 200 mg/l vào mùa kiệt.

Và cùng chính sông này, hàng năm chuyển về cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn phù sa, một phần bồi lấp cho vùng ngập lụt của đồng bằng, một phần được hệ thống sông, rạch nối sông Tiền, sông Hậu vận chuyển bồi đắp cho vùng đồng bằng ven biển, một phần theo các dòng hải lưu vận chuyển đến các vùng biển ven bờ. Kết quả này giúp cho đồng bằng hàng năm tiến ra biển vài chục đến hàng trăm mét.

Càng về hạ lưu và càng vào nội đồng, hàm lượng phù sa giảm dần và hạt bùn cát tải theo cũng nhỏ dần do mất năng lượng khi vượt qua rào cản của bờ kinh, rạch khúc khuỷu, các cây cỏ, công trình ven kinh, rạch như đê bao, cống, đập...

Hàm lượng phù sa cũng thay đổi theo độ sâu, tốc độ dòng chảy và thời kỳ lũ. Với lượng phù sa nêu trên, theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho thấy, ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu ở tỉnh ta, phù sa bồi lấp mặt đất dày từ 5- 7cm, ở vùng sâu trong nội đồng từ 6- 7,5cm và khoảng 8,5cm ở quanh vùng giáp nước.

Lấy phù sa để cân bằng hệ sinh thái tự nhiên đã mất

Thực tế các năm qua cho thấy, càng gia tăng hoạt động trồng trọt, càng đóng cống ngăn lũ triệt để thì tài nguyên đất, nguồn lợi thủy sản tự nhiên càng kiệt quệ.

Thời gian này, nước sông, rạch trong tỉnh lên cao, đậm màu ngói đỏ, ở những nơi trên đồng đã thu hoạch xong lúa, rau màu hoặc những thửa ruộng không có canh tác, người dân cần xả lũ vào đồng để khai thác nguồn lợi phù sa, cung cấp lượng “dưỡng chất” bồi bổ cho đồng ruộng sau khi lũ rút để cân bằng hệ sinh thái tự nhiên đã bị mất đi.

Ở tỉnh ta, địa phương đã triển khai chương trình xả lũ quy mô lớn để cải thiện đồng ruộng từ nhiều năm qua là huyện Bình Tân. Hàng năm, diện tích xả lũ trên toàn huyện khoảng 6.000ha, tập trung ở những khu trồng màu (đa số là khoai lang), trồng lúa sau khi thu hoạch xong.

Thời điểm xả lũ đồng loạt từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10 âl. Năm nay, diện tích trồng khoai lang của huyện giảm mạnh nên diện xả lũ có thể lớn hơn.

Việc xả lũ được đánh giá còn tiêu diệt các đối tượng dịch hại, sâu bệnh xuất hiện ít hơn, nên đã giảm được số lần phun thuốc đối với cây trồng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Song song đó, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tự nhiên trên đồng, trên sông, rạch và phát triển những mô hình canh tác cây thủy sản như trồng ấu, sen, bông súng, rau nhút… cũng được triển khai thực hiện khá sôi động trong mùa nước nổi ở các nơi trong tỉnh, lại thêm công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân.

Phù sa là nguồn lợi vô cùng to lớn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở những nơi có điều kiện thuận lợi và nhu cầu cải tạo đất canh tác thì hãy cho lũ vào đồng, đón nhận dưỡng chất quan trọng này, góp phần làm trù phú thêm nguồn tài nguyên đất và nước của miền sông nước.

Trong những năm gần đây, lũ ở vùng ĐBSCL có xu hướng là lũ nhỏ nên lượng phù sa về đồng bằng giảm hẳn so với trước đây. Tại báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020, kết quả quan trắc tại 11 tuyến sông, rạch trong tỉnh cho thấy, phù sa giảm mạnh so với ở những năm trước đó. Thông số TSS (tổng độ khoáng hóa) có giá trị trung bình dao động từ 28,15- 84,33 mg/l, giá trị trung bình trên tất cả các tuyến sông, rạch là 48,33 mg/l, trong đó tuyến sông Lộc Hòa có thông số TSS cao nhất là 84,33 mg/l. Năm 2019- 2020, giá trị trung bình của thông số TSS có xu hướng giảm mạnh, vào năm 2021 giá trị TSS tại các điểm quan trắc dao động từ 18,33- 85,33 mg/l.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG