Về Xẻo Quít, về với căn cứ kháng chiến và thiên nhiên tuyệt đẹp

Cập nhật, 08:42, Thứ Bảy, 02/07/2022 (GMT+7)

 

Khu di tích thu hút đông đảo khách tham quan.  Anh 3:
Khu di tích thu hút đông đảo khách tham quan.

Xẻo Quít là căn cứ cách mạng từ năm 1960-1975 của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp. Trong suốt hành trình cuộc kháng chiến, Xẻo Quít đã phải hứng chịu rất nhiều trận bom đạn của kẻ thù. Nhưng với tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm, chịu đựng hiểm nguy và tài trí thao lược, quân và dân Đồng Tháp đã xoay chuyển tình thế, khắc phục khó khăn, mang chiến thắng về cho quê hương, đất nước.

Nằm cách trung tâm TP Cao Lãnh khoảng 30km, chúng tôi tìm về Xẻo Quít để được sống trong khung cảnh thiên nhiên yên bình, hoang sơ, trù phú miệt vườn sông nước.

Từ lối vào là hàng tre vàng phủ mát rượi, từng làn gió mang theo hơi nước của con sông trải dọc hai bên đường. Từ căn nhà lợp lá đơn sơ, chiếc cổng rào tre cho đến hàng lu, hàng kiệu bên hiên nhà Nam Bộ đã tạo bức tranh quê gần gũi, thân thương.

Cơn mưa bất chợt, rả rích nên chúng tôi chọn đi xuồng ba lá để len lỏi vào những tán cây rừng trong khu di tích dài khoảng 1,5 km.

Video clip: Đi xuồng ba lá khám phá Khu di tích Xẻo Quít

Chị Lê Thị Hoàng Thảo trong trang phục áo bà ba, bơi xuồng đưa chúng tôi tham quan. “Xin chào các anh, chị đến tham quan Xẻo Quít! Khu căn cứ Xẻo Quít với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hiện Xẻo Quít có 170 loài thực vật cùng hơn 200 loài động vật hoang dã. Trong đó, có 13 loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam: trăn mốc, rùa hộp, chim sả mỏ rộng và loài rái cá …”- giọng nói ngọt ngào, “rặc miền Tây” của chị Thảo đưa chúng tôi len lỏi vào sâu khu rừng tràm. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mang nhiều dấu tích chiến tranh, khiến chị Thảo càng yêu hơn công việc mình làm. Chị kể rành rọt “chân tơ kẽ tóc” về những hố bơm trận địa, những căn cứ và tên tuổi của từng vị lãnh đạo qua các thời kỳ nơi đây.

Sự đa dạng sinh học có lẽ là “điểm cộng” thú vị lôi kéo du khách đến đây trải nghiệm. Những cây tràm “cỡ ôm tay” vươn cao sừng sững tạo thành những khối hình chóp nón khổng lồ.

Du khách ưa thích tham quan khu di tích Xẻo Quít bằng xuồng ba lá.
Du khách ưa thích tham quan khu di tích Xẻo Quít bằng xuồng ba lá.

Đi sâu độ chừng 50m, chị Thảo chỉ về hướng tay phải cho biết “đó căn phòng họp và nhà lán của các chiến sĩ cách mạng. Còn đằng trước là những công sự chiến đấu hình chữ Z và công sự hình chữ L, nhà bếp, nhà ở, hội trường… được phục dựng gần như nguyên bản bằng cách đắp nền đất, lấy tràm làm cột, mái lợp lá, vách dừng mê bồ…”.

Khẽ chạm tay vào những tán tràm “u nần” theo vết tích của thời gian, chúng tôi lặng người xúc động khi nghĩ về những cơ cực, hy sinh, mất mát của chiến tranh. Thanh âm vắng lặng, chim chóc, thú rừng vẫn còn trú mưa đâu đó trong những bụi rậm, tán cây chỉ còn tiếng của cây dầm buông trên mặt nước, mùi bùn bốc lên hăn hắt. Thả mình vào dòng chảy của thiên nhiên hoang sơ hôm nay, chúng tôi cảm thấy tự hào và khắc ghi sâu đậm công ơn của các bậc tiền nhân về cuộc chiến hào hùng của dân tộc đem lại nền hòa bình.

Mưa vẫn rả rích, rời chiếc xuồng ba lá cũng là lúc căn bếp của “nhà hàng Xẻo Quít” tỏa khói cho bữa cơm chiều. Những con cá đồng được người dân địa phương bắt lên làm mắm, thấm đẫm trong nồi nước lèo thơm phức kèm với các loại rau kèo nèo, bông súng, điên điển mang đậm “hương đồng gió nội” gây thương, gây nhớ làm sao!

Những món ăn dân dã, đậm chất miệt vườn sông nước.
Những món ăn dân dã, đậm chất miệt vườn sông nước.

Rời khu di tích, chúng tôi không quên ủng hộ sản vật đặc trưng như: hạt sen tươi, rượu sen, mật ong rừng tràm,…nổi tiếng “đất sen hồng”. Về Xẻo Quít hôm nay, chúng tôi về với căn cứ kháng chiến và thiên nhiên tuyệt đẹp!

Được công nhận di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992, Xẻo Quýt hiện có khoảng 170 loài thực vật với 158 loài hoang dại và 12 loài cây thân gỗ… Từ một căn cứ quân sự thời kháng chiến chống Mỹ, ngày nay Xẻo Quít trở thành địa điểm nổi tiếng trong những chuyến tham quan về lịch sử.

Bài, ảnh: NHÓM PV

Các tin khác: