Mùa nước nổi... đã xa

Cập nhật, 06:20, Chủ Nhật, 31/07/2022 (GMT+7)

 

Nơi bắt đầu con sông Vàm Nao, còn gọi là cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới- An Giang), mấy năm nay chẳng còn ai thả lưới cá bông lau.
Nơi bắt đầu con sông Vàm Nao, còn gọi là cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới- An Giang), mấy năm nay chẳng còn ai thả lưới cá bông lau.

(VLO) Mùa này, đi ngang qua Đồng Tháp Mười nước trong ruộng… khô queo, ngược lên phía thượng nguồn An Giang, cặp bờ Nam sông Tiền, những ruộng lúa vàng rực đang chờ thu hoạch. Nói chung là các hệ thống đường sá giao thông với mục tiêu kép làm đê bao đã khép kín, mùa nước chẳng thể lên đồng. Nhìn những con sông, những dòng kênh năm nay đỏ quạch phù sa, mà thấy tiếc đứt ruột.

Tiếc dòng phù sa trôi tuột ra biển

Mùa nước nổi thân thương của đồng bằng ngày càng trở nên xa vời và cũng ngày càng lạc nhịp với những kế hoạch đóng- mở các miệng cống, dòng sông. Thậm chí, còn nghe nhiều cán bộ gọi mùa nước nổi là “mùa lũ về”, thì càng thấy xót xa hơn.

Hàng ngàn năm nay, mấy trăm năm nay đồng bằng này chỉ có ngập lụt, nước lên từ từ bắt đầu mùa nước son vào tháng 5 âm lịch, để rồi “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, rồi mang nặng phù sa tràn đồng mà làm thành mùa nước nổi.

Dòng sông và con người sống bên cạnh nó cũng ngày càng trở nên… xa cách nhau nhiều lắm rồi, chớ không còn sự lắng nghe, sự thấu hiểu của từng nhịp đi chuyển mùa quen thuộc nữa.

Nông dân trong Đồng Tháp Mười, những người đang có trong tay đất dây hàng trăm công đổ lên, thì ủng hộ câu chuyện “đóng cửa” mùa nước lên đồng để khai thác triệt để vụ 3, vì bỏ qua một vụ coi như mất đi hàng ngàn giạ lúa.

Cũng có một số nông dân, nhìn dòng sông năm nay bỗng dưng đậm đặc phù sa thì tiếc hùi hụi về sự lãng phí độ màu mỡ tự nhiên vun bồi cho ruộng rẫy.

Cũng bởi cách làm quy hoạch quá cứng nhắc cho nên nó bất cập, cứ đúng quy định trước đây, 3 năm thì xả nước tràn đồng 1 lần, giờ thay đổi thành 5 vụ thì xả 1 lần, thay vì có thể linh động dự báo trước và tùy vào tình hình thực tế như năm nay phù sa về nhiều thì tranh thủ mở đập đón phù sa.

Những câu chuyện rất đơn giản nhưng không làm được, cho thấy công tác quản trị nguồn nước khá là yếu từ cấp xã, cho đến cấp huyện, cấp tỉnh và cả cấp vùng.

Câu chuyện nội bộ trong nước, ở địa phương mình còn chưa thể linh hoạt ứng phó, thì nói gì đến “ngoại giao nước” xuyên quốc gia. Trong khi đó, cứ đúng lịch xả nước tràn thì rơi vào những lúc dòng sông thiếu dưỡng chất, nước trong leo lẻo tựa hồ nước mùa thu.

Tận dụng những lợi thế còn sót lại của mùa nước nổi còn chưa thấy làm tốt, thì câu chuyện ứng phó với những khó khăn từ biến đổi khí hậu do thiên tai và nhân tai sẽ càng thêm rắc rối. Vẫn còn đó tư duy cục bộ, địa phương thì những quy hoạch chung của vùng cũng sẽ trở nên manh mún.

Ai sẽ là người dẫn dắt, điều phối chung giữa các địa phương, giữa các tiểu vùng trong cả khu vực này, để những quy hoạch, tầm nhìn từ Trung ương giúp cho đồng bằng này trở thành một “giàn hợp xướng” đồng điệu, chớ không phải chịu cảnh lạc nhịp như hiện nay. Với chỉ riêng câu chuyện quản trị nguồn nước thôi, đã thấy nhiều vấn đề rồi.

Hệ sinh thái dần kiệt quệ và rối loạn

Vậy nên, mới loáng thoáng manh nha dự án trữ nước phía trên, hỗ trợ khi hạn mặn phía dưới, thì lại xuất hiện tư tưởng “tui hy sinh xả nước tràn đồng, rồi ai sẽ tính… phí?”.

Hệ thống cống Bắc Vàm Nao, thuộc huyện Phú Tân (An Giang), năm nay không trùng lịch xả nước vào đồng, người dân tiếc mùa nước đỏ quạch phù sa.
Hệ thống cống Bắc Vàm Nao, thuộc huyện Phú Tân (An Giang), năm nay không trùng lịch xả nước vào đồng, người dân tiếc mùa nước đỏ quạch phù sa.

Tư duy kiểu này thì khó đây, cái quan trọng là “cán bộ” chưa thẩm thấu được cái tầm quan trọng của việc phục hồi cả hệ sinh thái, chớ không phải chuyện… hơn thua nhau chỉ một vụ mùa, không phải chuyện những con số báo cáo “năng suất, sản lượng năm nay cao hơn năm rồi”.

Trong khi phía trên sẵn sàng từ chối gần 20 tỷ m3 nước hàng năm cùng với lượng phù sa từ mùa nước nổi, thì phía cận biển lại có câu chuyện trữ nước ngọt một cách khiên cưỡng, để rồi hình thành những “dòng kinh chết” do nhiễm mặn; trong khi người dân than trời vì thiếu nước ngọt những năm khô hạn, thì họ cũng đang bỏ phí một lượng nước mưa dồi dào dư thừa cho cả nước uống và nước sinh hoạt.

Trong khi những quy hoạch hồi đầu thế kỷ XX của người Pháp để “ngọt hóa” miệt Hậu Giang, thì đến nay vẫn còn nguyên tác dụng.

Những câu chuyện thế này, không phải là những chuyện gì đó quá cao siêu, mà chỉ là những lão nông sống một đời với đồng bằng này, cũng thuộc hết tính nết của từng con nước, từng dòng sông và họ còn biết “lắng nghe” được những bước đi chuyển mùa tinh tế của thời tiết, thiên nhiên.

Cùng với đó, là kiểu nuôi trồng bất chấp quy luật của thổ nhưỡng, phá vỡ cả hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên. Miệt vườn ngày nay sẵn sàng “tiến công” vào bưng biền theo kiểu “đánh nhanh, rút nhanh” và hệ sinh thái rừng phòng hộ băm nát để nuôi thủy sản, để rồi hàng ngàn tỷ đồng đổ xuống để làm đê.

Những tác động làm “cứng hóa”, “nắn dòng” từ sông ra biển, làm cho tình trạng xói mòn, sạt lở càng trở nên trầm trọng hơn. Cộng hưởng của những khu công nghiệp được xây nên ở những vị trí đẹp nhất dọc các dòng sông lớn, tạo nên những dòng thải bẩn, những “đê nhiệt” làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của dòng chảy và hệ sinh thái.

Chúng ta đang đẩy mùa nước nổi ngày càng rời xa, ngày càng kiệt quệ, nghèo nàn. Cái giá phải trả không thể tính bằng những con số vụ mùa… bội thu, không thể tính bằng 5, 10 năm mà là câu chuyện của trăm năm sau này và có thể là sự mất đi vĩnh viễn di sản vô giá của đồng bằng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY