Mừng đồng bằng qua kỳ "đại mặn"!

Cập nhật, 10:35, Thứ Bảy, 20/02/2021 (GMT+7)

 

Cống Vũng Liêm được mở hoàn toàn từ ngày 9/2/2021 để lấy nước.
Cống Vũng Liêm được mở hoàn toàn từ ngày 9/2/2021 để lấy nước.

Không như dự báo của cơ quan chuyên môn, đỉnh mặn của đợt xâm nhập mặn trùng với kỳ triều cao cuối năm Canh Tý, đầu năm Tân Sửu (từ ngày 8/2-16/2/2021) không cao, thấp hơn nhiều so với đỉnh mặn của mùa khô năm 2015-2016 và đỉnh mặn “lịch sử” mùa khô năm 2019- 2020, ảnh hưởng không đáng kể đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Vì sao vậy?

Do nguồn nước đầu nguồn về nhiều hơn năm trước

Theo dự báo, việc giảm xả thủy điện Trung Quốc xuống hạ lưu, mặn ở ĐBSCL lên cao nhất từ ngày 8/2- 16/2/2021, đúng dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu. Ranh mặn 4‰ (phần ngàn) có thể xâm nhập vào đất liền tại cửa Tiểu từ 50- 55km, cửa Đại từ 48- 53km, Hàm Luông từ 70- 73km, Cổ Chiên từ 62- 65km và tại sông Hậu từ 58- 60km, ở mức tương đương với mức xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016. Theo dự báo này, ranh mặn 4‰ phía sông Cổ Chiên sẽ lên đến huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long).

Tại Vĩnh Long, Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long dự báo, độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 11/2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp) tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm) có thể lên mức 6,5- 7,5‰, vàm Quới An: 3- 3,5‰, vàm Trà Ôn: 0,5- 1,5‰, Tích Thiện (Trà Ôn): 4- 5‰, Ngã Tư (xã Hựu Thành): 1,5- 2,5‰ và vàm Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ): 1‰.

Nhưng số liệu độ mặn thực tế quan trắc tại các điểm đo trên địa bàn tỉnh trong các ngày kỳ triều cao tháng Chạp (trước và sau Tết Nguyên đán) vừa qua ở mức rất thấp, thấp hơn dự báo và nhỏ hơn nhiều so với đỉnh mặn kỷ lục của mùa khô năm 2020.

Tại huyện Vũng Liêm, Phòng Nông nghiệp- PTNT cho biết, độ mặn cao nhất trên địa bàn huyện xuất hiện vào ngày 8/2 (nhằm 27 tháng Chạp): tại cống Nàng Âm chỉ đạt 1,1‰, vàm Vũng Liêm 0,6‰; đến ngày 12/2 tại cống Nàng Âm giảm còn 0,5‰, vàm Vũng Liêm 0,3‰. Ngày 6/2, cống Vũng Liêm và cống Cái Tôm còn đóng cửa để ngăn mặn, nhưng đến ngày 9/2 cống Vũng Liêm được mở và từ ngày 13/2 đến nay cả 2 cống đều mở để lấy nước.

Còn kết quả quan trắc của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 9/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp) tại các điểm đo như: Phía sông Cổ Chiên, tại cống Nàng Âm chỉ lên mức 1,8‰ (trong khi đỉnh mặn của mùa khô năm 2020 tại đây là 10‰), vàm Quới An: 0,6‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 6,2‰); phía sông Hậu, tại vàm Trà Ôn: 0,2‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 2,2‰), Tích Thiện: 0,6‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 7,8‰), Ngã Tư: 0,8‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 1,8‰); và phía sông Tiền, tại vàm Cái Muối: 0,2‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 4,5‰). Từ ngày 13/2 đến 16/2, độ mặn tại các điểm đo đều bằng hoặc nhỏ hơn 1‰, nguồn nước hoàn toàn ngọt, kết hợp mực nước sông, rạch dâng cao rất thuận lợi cho các nơi trong tỉnh lấy nước để tưới cho cây trồng và sinh hoạt.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước đầu nguồn về cao hơn trước đây- yếu tố quan trọng nhất làm cho mặn không xâm nhập sâu vào nội vùng. Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mực nước và lưu lượng ở các trạm thượng nguồn và đầu nguồn ĐBSCL từ tháng 12/2020 đến nay đều cao hơn hoặc xấp xỉ so với cùng thời điểm của mùa khô năm 2015- 2016 (gọi tắt là năm 2016) và năm 2019- 2020 (gọi tắt là 2020).

Đến ngày 11/2/2021, trên dòng chính Mekong, mực nước tại trạm Chiang Saen (miền Bắc Thái Lan) đạt mức 2,5m (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,62m, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,66m). Tại trạm Kratie (Campuchia) đạt mức 6,92m (thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,92m, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,32m). Tại trạm Prekdam (Campuchia) đạt mức 1,16m (thấp hơn từ 0,12- 0,29m).

Lưu lượng tại Kratie vào tháng 1/2021 đạt 3.716 m3/s (cao hơn năm 2016 là 583 m3/s và cao hơn năm 2020 là 656 m3/s). Biển Hồ ở giai đoạn xả nước, đóng góp quan trọng vào dòng chảy hàng ngày xuống hạ lưu, ngày 11/2/2021 dung tích của Biển Hồ là 3,21 tỷ mét khối (cao hơn 0,95 tỷ mét khối so với năm 2020 và cao hơn 0,96 tỷ mét khối so với năm 2016).

Ở đầu nguồn ĐBSCL, mực nước lớn nhất ngày 11/2 tại Tân Châu đạt 1,34m (cao hơn 0,17m so với cùng kỳ năm 2016 và thấp hơn 0,03m so với cùng kỳ năm 2020). Tại Châu Đốc đạt 1,52m (thấp hơn 0,12m so với năm 2016 và thấp hơn 0,01m so với năm 2020). Đỉnh triều cường trong những ngày Tết Nguyên đán ở Vĩnh Long cũng không cao, tại Mỹ Thuận (sông Tiền) dưới 1,6m (dưới báo động I). Hiện mực nước đang xuống theo kỳ triều thấp, độ mặn sẽ giảm theo.

Ảnh hưởng gián tiếp của hiện tượng La-Nina

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long: dự báo từ các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, hiện tượng ENSO (hiện tượng El Nino- Dao động Nam) có xu hướng chuyển dần sang La Nina (pha lạnh) từ tháng 9/2020 trở đi. Vào tháng 10/2020, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện và sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 3/2021 với xác suất trên 95%. Đây là hiện tượng gây ra mưa trái mùa, góp phần cung cấp lượng nước đáng kể trong mùa khô.

Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam: Từ đầu mùa khô đến nay đã xuất hiện mưa trái mùa rải rác hoặc diện rộng ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL nên mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn bớt căng thẳng hơn so với dự báo trước đó.

Ở Vĩnh Long, Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho hay, những tháng mùa khô của năm 2021, trong tỉnh luôn có những trận mưa trái mùa.     

Tổng lượng mưa tháng 1 tại trạm Vĩnh Long cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 64,8mm và cao hơn so với trung bình nhiều năm 53,7mm (hay cao hơn khoảng 484%). Từ giữa tháng 1 đến ngày 9/2, lượng mưa tại trạm Vĩnh Long cao hơn so với trung bình nhiều năm 14mm (vượt khoảng 280%). Trong đó, ngày 23/1, tại Trạm Khí tượng Phường 8 (TP Vĩnh Long) lượng mưa đạt 64,6mm; đặc biệt, vào ngày 30 tết (ngày 11/2), trong tỉnh có 2 đợt mưa rào trên diện rộng vào rạng sáng và chiều tối.

Một yếu tố nữa cũng làm dịu bớt xâm nhập mặn là gió chướng hoạt động yếu. Các xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới) không xuất hiện trên Biển Đông. Thời tiết ở Vĩnh Long cũng không gay gắt, nhiệt độ trung bình tháng 1 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 1,90C và thấp hơn so với trung bình nhiều năm là 1,20C. Trong đó, từ giữa tháng 1 đến 9/2/2021, nhiệt độ trung bình thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,30C.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, xâm nhập mặn trong vùng ĐBSCL còn biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện ở thượng lưu và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng, có khả năng kéo dài tới tháng 5/2021. Tuy nhiên, những diễn biến xâm nhập mặn vừa qua là đáng mừng cho vùng vì đã qua kỳ “đại mặn”.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG