Mùa lan rừng

Cập nhật, 09:22, Thứ Năm, 26/11/2015 (GMT+7)

 

Tháng mười lan rừng rất sung sức
Tháng mười lan rừng rất sung sức

Những vồ đá cheo leo đến các lò ảng âm u, rồi bên dòng suối nhỏ… của núi Dài lớn, núi Cấm, núi Cô Tô xuất hiện nhiều loài thực vật mang họ lan, với tên gọi khác nhau, thoáng nghe mọi người cảm thấy thích ngay. Rằm tháng mười, lan rừng ở đây rất sung sức, chuẩn bị ra hoa khi mùa mưa kết thúc.

Dân dã chốn non cao

Người hành hương, du khách tham quan núi Cấm, núi Dài, Cô Tô thấy các hàng quán, trước nhà dân treo vài chậu lan, mà cư dân non cao gọi là lan rừng. Bởi lẽ, những loài này được lấy từ núi, dân đi rừng hay gọi vui là đồ bản địa.

Ngay cả tên gọi chúng cũng thật thú vị, đó là lan con cò (bông trắng, nhụy điểm vàng phớt, thơm phức, giống như con cò), trường kiếm và đoản kiếm (màu cà phê sữa sọc trắng, dài 30cm – 70cm), ngà voi (rất giống cái ngà voi), bò cạp (lá rẽ quạt giống bò cạp), huyết nhung vàng và đỏ, phi điệp, con bướm…

Anh Lê Văn Hai (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn) bảo, dân dã ở núi rừng, ai mà biết tên tuổi hoa hòe như phố chợ, hễ thấy hoa giống giống cái gì thì đặt ngay tên đó, khi có người thành thị lên chơi góp ý mới chỉnh lại cho đúng.

“Có điều độc chiêu, lan rừng nhưng lại có nguồn gốc dược liệu, cho nên lan chợ hổng sánh bằng. Nói dễ hiểu, vừa chơi thưởng thức, vừa mần thuốc trị bệnh thông thường” – anh Hai giải thích. Chậu lan được làm bằng vỏ dừa khô, kết lại giống như trái còn nguyên, nhiều người lí lắc hơn thì chặt cả khúc cây u nần, rồi cho lan đeo bám trông rất hấp dẫn.

Trên núi Cô Tô, một vài chủ quán còn gắn lan vào cây xoài, cây vú sữa, cây ổi, cây mít… tạo ra khuôn viên bắt mắt để du khách vừa thưởng ngoạn, nghỉ ngơi qua đêm, vừa ăn uống.

Chẳng hạn, như điểm vồ Hội nhỏ, anh Trần Văn Đạt khéo tạo cảnh bằng những chùm lan con cò, giáng hương, huyết nhung, bò cạp, đoản kiếm… bám vào cây rừng. “Lan trồng trên này rất thiên nhiên, theo thời tiết mùa mưa và mùa nắng. Không xịt phân, xịt thuốc, bông có mùi thơm phức, độ bền cũng khá tốt” – anh Đạt giới thiệu. Bên điện Nam Căn, điện Nam Hải, chùa Bồng Lai… cũng có nhiều người trồng lan rừng tương tự.

Chủng loài ngày càng hiếm

Do tập quán sinh trưởng, có mưa là lan rừng lập tức xanh tươi và sung sức vào cuối mùa, nhất là tháng mười chuẩn bị trổ bông đầu mùa khô (trước hoặc sau Tết). Tuy lan rừng mau tàn, nhưng mùi thơm rất độc đáo, thoang thoảng chứ không đậm đặc.

Theo dân đi rừng, núi Cô Tô còn ít nhất khoảng 20 loài, phần lớn là thạch hộc và con số có mùi thơm cũng chỉ vài ba loài. Một thời, lan rừng bị săn lùng tàn sát, bán ký nên mất dần, như: Giáng hương, phi điệp, kim điệp… thông thường trổ dịp Thanh Minh.

Một số loài ngọc điểm trắng và trắng tím (trổ ngay dịp Tết); thủy tiên trắng và vàng; hồ điệp trắng, hồng phấn, tím sen;… gần như không ai thấy. Anh Đỗ Văn Sơn (ấp Tô Trung, xã Núi Tô) cho hay, mấy loài quý bây giờ trở nên hiếm, còn chăng  là ở những nơi ít người tới lui và các lò ảng hiểm trở. “Lan rừng đem về đồng bằng rất khó trồng, không biết cách thuần dưỡng sẽ không trổ bông” – anh Sơn nói.

Trước đây, núi Cấm cũng có rất nhiều loài lan rừng, tháng mười cũng là thời điểm sung sức và chuẩn bị trổ bông. Ông Đinh Văn Thành (vồ Thiên Tuế, núi Cấm) kể, bây giờ hiếm thấy mấy loài có bông thơm, chỉ còn lại phổ biến là thạch hộc trúc, thạch hộc kim. “Hồ điệp, ngọc điểm, giáng hương thì biến mất.

Ngay cả lan ngà voi cũng khó tìm, chúng thường ở vồ đá dựng, vách cheo leo” – ông Thành bảo. Do bị người dân thành thị “tấn công” chốn non cao, hơn nữa vì miếng cơm manh áo, khiến nguồn lan rừng trên núi Cấm bị cạn kiệt, mùa lan rừng không còn phong phú như xưa.

Cách nay hơn 5 năm, cư dân núi Cô Tô phát hiện ra loài lan rừng giống hệt loài lan kim tuyến ở rừng miền Đông và Tây Nguyên. Theo ngành chuyên môn, đây là loài lan quý hiếm được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam, có giá trị nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Mua-lan-rung.html