Thị trường nào cho nông sản hữu cơ?

Cập nhật, 09:16, Thứ Sáu, 30/09/2022 (GMT+7)

 

Nông sản hữu cơ có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường.
Nông sản hữu cơ có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường.

Sản xuất nông sản hữu cơ (HC) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn nhiều thách thức đang đặt ra cho sản phẩm HC.

Sản phẩm HC là xu thế tiêu dùng tất yếu

Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp HC giai đoạn 2020 - 2030, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp HC đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, đã có hơn 90% địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất HC, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp.

Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác HC tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất HC tăng nhanh. Bên cạnh đó, nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với nông sản HC có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch COVID-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm HC. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng: Hiện nay, thị trường cho sản phẩm HC ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Cơ hội cho sản phẩm HC vẫn còn rất rộng mở.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc phát triển nông sản HC còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại. Theo bà Kim Hạnh, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm HC (26%). Có thể thấy, sản phẩm HC vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, cho hay: Sản xuất nông nghiệp HC ở tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp. Hầu hết nông sản xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng chưa cao, dẫn đến giá trị gia tăng sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, loại hình sản xuất này có chi phí cao, năng suất thấp hơn, thị trường đầu ra cho nông sản HC cũng chưa ổn định.

Trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030, xác định mục tiêu đến năm 2030: Diện tích đất nông nghiệp sản xuất HC đạt 3% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp - khoảng 3.600ha, trong đó: lúa 1.800ha, khoai lang 400ha, cây có múi (bưởi, cam sành) 800ha, cây ăn trái (dừa, xoài, sầu riêng, chôm chôm...) 400ha, rau màu (xà lách xoong, rau ăn lá…) 200ha. Nâng tỷ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân HC, phân HC vi sinh lên 90%.

Phát triển thị trường nông sản HC

Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm HC, ông Bùi Hồng Quân- Phó Hội đồng Quản trị HĐQT Vinamit cho rằng, để làm nông nghiệp HC thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng. Doanh nghiệp khi làm HC đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,...

Cơ hội cho nông sản hữu cơ vẫn còn rất rộng mở.
Cơ hội cho nông sản hữu cơ vẫn còn rất rộng mở.

Để phát triển thị trường HC, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, nhấn mạnh về việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm HC cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất và nông sản HC cần được đứng ở vị trí dẫn đầu, như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới. Và muốn phát triển sản xuất nông nghiệp HC phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm HC.

Tại diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp HC và các sản phẩm chế biến”, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT), đánh giá: Nông sản HC là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, nông sản HC mang nhiều giá trị trong đó có giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người (người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp HC Việt Nam đã đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp HC lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt HC hơn 63.000ha, nuôi trồng thủy sản HC hơn 100.000ha, thu hái tự nhiên nông nghiệp HC hơn 12.000ha. Kim ngạch xuất khẩu nông sản HC đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp HC… Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, sản xuất HC đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1ha đất HC cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi HC…

Bài, ảnh: THẢO LY