Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo

Cập nhật, 05:35, Thứ Tư, 30/11/2022 (GMT+7)
Theo ngành chức năng, diện tích sản xuất lúa giảm nhưng giá trị lại tăng.
Theo ngành chức năng, diện tích sản xuất lúa giảm nhưng giá trị lại tăng.

(VLO) Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL, theo Tổ điều hành 970 ( Bộ Nông nghiệp- PTNT), ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp.

Tuy vậy, ngành sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để hoạt động canh tác, sản xuất lúa gạo hiệu quả hơn, nhất là việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Diện tích sản xuất lúa giảm nhưng giá trị lại tăng

Theo Cục Trồng trọt, hàng năm vùng ÐBSCL sản xuất khoảng 3,8 - 3,9 triệu hecta lúa/năm, sản lượng đạt khoảng 24 - 25 triệu tấn/năm và đang đóng góp phần lớn lượng lúa gạo phục vụ xuất khẩu, cũng như đảm bảo tiêu dùng trong nước.

Theo đó, nông dân vùng ÐBSCL đang quan tâm liên kết, phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, an toàn, tạo thuận lợi kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Đoan - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Trồng trọt tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Vùng ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa gạo cả nước.

So với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL từ 4,3 triệu hecta nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu hecta, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn.

Mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lại tăng, nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, nhiều giống lúa chất lượng như ST24, ST25. Tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%.

Đánh giá về tình hình nhập khẩu lúa gạo, ông Nguyễn Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I cho hay: Xuất khẩu gạo vào các thị trường lớn như Philippines tăng 35%, Bờ Biển Ngà tăng gần 89%; các thị trường khác như Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea cũng đều tăng nhập khẩu so với năm 2021.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi trong những tháng tới sẽ sôi động hơn do ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Tình trạng thời tiết mưa bão, lũ lụt tại các nước xuất, nhập khẩu gạo lớn cũng như nhu cầu nhập khẩu chuẩn bị cho thời điểm năm mới cũng bắt đầu. Giá lúa gạo nội địa dự báo sẽ giữ vững hoặc nhích nhẹ.

Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường cho lúa gạo.
Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường cho lúa gạo.

Song, nhìn chung việc phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi tại vùng ÐBSCL vẫn còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn cho biết: Thực trạng sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học,…

Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao.

Bên cạnh đó, còn có thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Cần tăng cường liên kết, mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Song song đó, để phát triển ngành hàng lúa gạo, cần sự liên kết, vào cuộc của nhiều nhà, như nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà quản lý.

Trong đó, các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi.

Theo Cục Trồng trọt, để phát triển sản xuất lúa bền vững, ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng lúa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.

Đồng thời, bố trí thời vụ lúa phải tuân thủ nguồn nước cung cấp và tình hình diễn biến các đối tượng dịch hại quan trọng. Tiến độ gieo trồng lúa cần tập trung, nhanh, gọn để tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn nước tưới.

Ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.

Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất,…

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững.

Cụ thể, doanh nghiệp, nông dân tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ.

Qua đó, hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, chú trọng phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.

Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn, nhưng nay, số lượng sẽ giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp. Theo đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc.

Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,…

Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.

“Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn.

Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,… của thị trường nhập khẩu” - ông Hòa cho biết thêm.

Năm 2023, theo kế hoạch, ĐBSCL vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu hecta, sản lượng 24 triệu tấn, thời vụ tùy thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiêu xuống giống nhanh, kịp thời vụ. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha nhiều nơi giảm còn dưới 100 kg/ha.

Bài, ảnh: TRÀ MY