Câu chuyện nông thôn

Nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật, 14:42, Thứ Tư, 19/10/2022 (GMT+7)

(VLO) Nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi tốt, nhưng cần nhìn nhận một cách thật khách quan, khoa học và phải thật sự phù hợp với tình hình chung của nước ta. Phong trào “học tập” theo các hướng đi đỉnh cao của các nước tiên tiến, cần phải thận trọng, bình tĩnh và không chủ quan, duy ý chí.

Không khéo rất dễ dàng đẩy nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi theo hướng này vào con đường phá sản, trắng tay.

Hai Lúa tui muốn nói đến có một phong trào làm theo nền nông nghiệp công nghệ cao kiểu Israel. Tham khảo và lựa chọn đầu tư ở cái “chóp đỉnh” của nền nông nghiệp nước ta thì tốt, nó có tính dẫn dắt, mở hướng và nên thực hiện ở một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tính cạnh tranh nông sản toàn cầu. Hoặc học tập trong ứng dụng nghiên cứu khoa học, lai tạo giống thì tốt.

Nhưng đưa nông dân đi học tập Israel, muốn định hướng lối đi này trở thành phổ cập sẽ là một sai lầm và lãng phí.

Bởi ở một đất nước sa mạc, mà nước được xem đắt hơn xăng dầu và họ có tiềm lực, tài lực ở mức cao của thế giới, thì công nghệ của họ sẽ không hoàn toàn phù hợp với nông dân, nông nghiệp đang ở tầm mức trung bình thấp như nước ta hiện nay.

Cùng với đó, là mặt bằng giá nông sản còn thấp, chúng ta cũng chưa tách bạch được giá trị giữa nông sản sạch, nông sản hữu cơ với nông sản đại trà nhiễm bẩn, thì thúc đẩy nông dân và một số cá nhân đầu tư nhỏ lẻ đi theo hướng đi này khác nào… tự sát.

Trong khi đó, nông dân Việt Nam cũng rất sáng tạo, họ cũng biết cách thực hiện những giải pháp tốt cho nông nghiệp nhưng ít tốn kém, phù hợp với điều kiện nước mình.

Điển hình như việc bỏ đống tiền đầu tư những công nghệ tiết kiệm nước của Israel là thật vô lý; trong khi nông dân mình cũng biết ứng dụng nhiều công nghệ rất rẻ tiền, dễ chế tạo để quản lý nguồn nước tưới tiêu hợp lý. Hay đầu tư những dạng nhà kính, nhà lưới với công nghệ quá cao cấp là không phù hợp.

Trong khi đó, chúng ta vẫn còn quá nhập nhằng giữa nông sản sạch và nông sản chưa sạch từ trong khâu sản xuất, cho đến khâu phân phối thị trường. Nó khác nào “đánh đố” người tiêu dùng và phần đông vẫn nặng tâm lý “kệ đi, mua loại rẻ tiền hơn là mua lầm rau sạch”.

Do đó, thị trường nông sản trong nước chưa thể tạo niềm tin cho người tiêu dùng, theo đó chi tiêu cho các mặt hàng nông sản vẫn khá dè sẻn. Nên nông sản làm ra nếu tiêu tốn chi phí quá cao sẽ khó có đầu ra thuận lợi ở Việt Nam.

Hai Lúa tui thiển nghĩ, mình nên bắt đầu đi từng bước phù hợp với từng điều kiện, giai đoạn phát triển chung của xã hội; hãy bắt đầu từ những điều đơn giản, gần gũi nhất với đại đa số nông dân xứ mình. Không nên hô hào khơi dậy những phong trào học tập, đầu tư kiểu xa vời ở những nước có điều kiện kinh tế- xã hội và nền nông nghiệp hoàn toàn xa lạ với xứ mình.

Hailua@.com