Lúa Đông Xuân 2022 – 2023: Chủ động xuống giống sớm để tránh hạn mặn

Cập nhật, 15:46, Thứ Hai, 26/09/2022 (GMT+7)
Vụ Đông Xuân 2022- 2023 ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha.
Vụ Đông Xuân 2022- 2023 ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha.

(VLO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, vụ Đông Xuân 2022- 2023 tới cần xuống giống sớm, nhất là diện tích ở các tỉnh ven biển để tránh hạn mặn có thể xảy ra.

Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ

Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu ha, năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 24,1 triệu tấn, tương đương cùng kỳ các năm trước. Đối với vụ Thu Đông năm nay, diện tích xuống giống toàn vùng khoảng 700.000 ha, giảm khoảng 3.000 ha so với cùng kỳ.

Tại Vĩnh Long, kế hoạch vụ Thu Đông xuống giống 41.000 ha nhưng thực hiện chỉ đạt 25.000 ha. Diện tích giảm do sản xuất vụ này rơi vào mùa mưa lũ; đồng thời, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khiến sản xuất không có lời nên nông dân không mặn mà gieo sạ.

Dù diện tích gieo trồng lúa Thu Đông năm 2022 ở vùng ĐBSCL giảm, nhưng theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), năng suất lúa có chiều hướng gia tăng, thậm chí cao hơn vụ Hè Thu.

Cụ thể, kể từ năm 2012, năng suất lúa Thu Đông đạt khoảng 5 tấn/ha, vụ Thu Đông 2022 tăng lên 5,7 tấn/ha, tương đương với năng suất vụ lúa Hè Thu. Đây là vấn đề mà theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt- Lê Thanh Tùng, các địa phương cần xem xét và đánh giá lại để có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ giữa 2 vụ lúa này cho phù hợp, đảm bảo năng suất.

Cũng theo Cục Trồng trọt, tại nhiều địa phương nông dân đã ý thức được việc trồng lúa chất lượng cao để doanh nghiệp thu mua.

Qua sơ kết vụ lúa Thu Đông, vài năm gần đây cơ cấu giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, nếp chiếm tỷ lệ khoảng 80%, góp phần làm tăng thu nhập của bà con. Bên cạnh, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất tới thu hoạch đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Chủ động xuống giống sớm, linh hoạt

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2022- 2023, Nam Bộ sẽ xuống giống 1,58 triệu ha (ĐBSCL khoảng 1,5 triệu ha).

Năm nay, Bộ Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo các tỉnh vùng ĐBSCL chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển để đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Các địa phương cần chú trọng thực hiện liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Các địa phương cần chú trọng thực hiện liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Cụ thể, đợt 1 xuống giống sớm, từ ngày 10 - 30/10 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ;  đợt 2 từ ngày 1- 30/11 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; đợt 3 từ ngày 1-31/12 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; còn lại một số vùng xuống giống Đông Xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2023.

Dự báo thời tiết vụ lúa này thuận lợi nhưng người dân không được chủ quan. Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm trên hầu hết toàn bộ khu vực với khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng vào tháng 10/2022.

Mùa mưa năm nay kết thúc muộn, khả năng phần lớn khu vực kết thúc mùa mưa vào khoảng đầu tháng 12/2022. Mưa trái mùa xảy ra khá nhiều trong những tháng mùa khô cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023 xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm.

Về cơ cấu giống, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt- Lê Thanh Tùng khuyến cáo vùng cách biển từ 20 - 30 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày;  vùng cách biển từ 30-70 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90- 105 ngày; vùng thượng ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, vụ Đông Xuân 2022 - 2023 vẫn dựa vào kinh nghiệm sản xuất của những năm vừa qua; đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình gieo trồng mới, có hiệu quả; chú trọng công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh

thực hiện liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý các địa phương chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, có khả năng giá gạo thị trường tiếp tục tăng do lượng gạo của Ấn Độ sụt giảm nguồn cung. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn, chiếm khoảng 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu. Trong năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo và 6 tháng đầu năm nay, nước này xuất khẩu 11 triệu tấn gạo.

Bài, ảnh: N. HOÀNG

Các tin khác: