Cải tạo đất bằng vi sinh vật

Cập nhật, 05:02, Thứ Ba, 20/09/2022 (GMT+7)
Nông dân tham gia chia sẻ về vai trò vi sinh vật trong đất kích thích sinh trưởng cây trồng tại Vũng Liêm.
Nông dân tham gia chia sẻ về vai trò vi sinh vật trong đất kích thích sinh trưởng cây trồng tại Vũng Liêm.

(VLO) Theo ngành nông nghiệp, hệ vi sinh vật (VSV) đất có vai trò rất quan trọng đối với đất và cây trồng. Tuy nhiên, thời gian qua, canh tác nông nghiệp quá phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đã làm suy giảm VSV trong đất kéo theo đó là suy thoái đất. Do đó, cần phải bảo vệ nền đất, cân bằng lại tự nhiên để tạo được môi trường sống tốt nhất và tạo điều kiện cho VSV phát triển.

Vai trò quan trọng của VSV

Theo ngành nông nghiệp, hầu như mọi quá trình xảy ra trong đất đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của VSV. Đất có tỷ lệ VSV cao sẽ tỷ lệ thuận với độ màu mỡ của đất. Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững thì việc quan trọng là tăng cường hệ VSV trong đất.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Hệ VSV có vai trò quan trọng trong cải thiện cấu trúc đất, chuyển hóa dinh dưỡng trong phân bón cung cấp cho cây trồng, phân giải các chất hữu cơ trong đất, chuyển hóa các chất khó tan thành chất dễ tan giúp cây trồng hấp thụ dễ dàng, giải phóng các chất khoáng bị giữ chặt trong đất thành dạng dễ tiêu cho cây hấp thụ.

Bên cạnh đó còn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, tiết ra các vitamin và chất sinh trưởng có lợi đối với cây trồng,…

Mới đây, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm cũng đã phối hợp triển khai phổ biến vai trò của VSV trong đất kích thích sinh trưởng cây trồng cho các hộ nông dân trồng xoài tại xã Quới An.

Theo đó, nông dân được hướng dẫn cách khai thác, chế tạo VSV có lợi trong đất vườn, hướng dẫn nông dân chuyển sang phương thức canh tác bền vững hơn, dần thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ, khôi phục VSV trong đất.

Chia sẻ kiến thức canh tác nông nghiệp cho nông dân tại Vũng Liêm, TS. Lê Thị Xã- Giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng, cho hay: Sự sống sinh học trong đất có 5 vai trò quan trọng, đó là: Tái tạo chất dinh dưỡng; tạo ra chất mùn (phân của VSV); chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành dạng khả dụng cho cây; ngăn chặn mầm bệnh trong đất- VSV có lợi ức chế VSV gây bệnh hại cây trồng; phân giải chất độc, bao gồm thuốc trừ sâu, kim loại nặng…

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh yếu tố tác động của con người- lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học- thì các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển xâm nhập, hạn hán cũng gây ra hiện tượng đất bạc màu tác động lớn đến môi trường đất làm mất dần đi hệ VSV trong đất.

Cần cải thiện và tăng cường hệ VSV trong đất

Theo ngành nông nghiệp, môi trường đất ngày càng bị thoái hóa dẫn tới các loài VSV trong đất ngày một mất dần, đặc biệt là các loài VSV có lợi.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho VSV có hại phát triển. Dấu hiệu nhận thấy rõ nhất việc hệ VSV tự nhiên trong đất đang mất dần đó là đất trồng đang giảm khả năng hấp thụ và chuyển hóa các chất được bón vào. Đất nông nghiệp và đặc biệt là đất thâm canh trong thời gian dài gặp phải tình trạng bạc hóa, độ giữ nước kém, độ tơi xốp giảm, các VSV có lợi giảm dần và pH đất mất cân bằng.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm

Cần hạn chế sử dụng chất hóa học, bởi các chất hóa học không chỉ tiêu diệt các loại VSV gây bệnh mà đồng thời cũng làm mất dần đi các loài VSV có lợi, điều này đồng nghĩa với việc hệ VSV ngày càng bị mất đi.

Để cân bằng lại sinh thái trong đất, thì phải quay trở lại con đường canh tác thuận thiên, bồi dưỡng cho đất, làm tăng độ phì của đất; phải đưa hữu cơ vào đất, tức là trả hữu cơ lại cho đất.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), việc cải tạo đất trồng là cách để gia tăng nguồn dinh dưỡng, loại trừ được các loại vi khuẩn, nấm có hại trong đất trồng, giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ dưỡng chất, phát triển và đạt năng suất cao.

Theo đó, để giữ ổn định độ pH, cần bón vôi để giữ cho pH không xuống quá thấp, cung cấp thêm một lượng canxi cho đất.

Bên cạnh đó, cần bổ sung hữu cơ bởi các chất mùn trong phân hữu cơ sẽ vừa là thức ăn cho các loại VSV có ích, vừa giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, làm tơi xốp và ổn định kết cấu đất tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế xói mòn, hạn hán.

Theo ông Dương Ái Đạo, canh tác lâu ngày cộng với việc sử dụng chất hóa học làm cho môi trường đất dần mất đi hệ VSV có lợi. Vì vậy bổ sung lại nguồn VSV trong đất là rất quan trọng. Song song đó, trồng xen canh các loại cây trồng có khả năng hỗ trợ sự phát triển của các loài sinh vật cố định đạm, VSV phân giải lân.

Che phủ mặt đất bằng thảm thực vật xanh hoặc các vật liệu che phủ hữu cơ để bảo vệ mặt đất, giảm lượng thất thoát hơi nước, duy trì độ ẩm thích hợp cho VSV cũng như làm nơi trú ẩn và thức ăn cho VSV trong đất. Ngoài ra, trồng cây che phủ đất giúp đất thông thoáng. Rễ cây che phủ như những lỗ thở tự nhiên đưa không khí từ môi trường ngoài vào lòng đất. Đặc biệt là vùng đất ngập nước lâu ngày.

TS. Lê Thị Xã- Giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng

VSV trong đất có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên. Giúp cho môi trường đất ngày càng đa dạng về hệ sinh thái bên trong đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế đối với người nông dân. Vì vậy, việc duy trì, bảo vệ và cải thiện hệ VSV trong đất là hết sức quan trọng.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG