Trà Ôn

Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 10:13, Thứ Ba, 02/08/2022 (GMT+7)

 

Lúa chất lượng cao được người dân tăng cường xuống giống hơn trước.
Lúa chất lượng cao được người dân tăng cường xuống giống hơn trước.

Theo ngành nông nghiệp huyện Trà Ôn, thời gian gần đây nông dân đã ý thức hơn, không chỉ chọn giống lúa chất lượng cao mà còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đổi mới tư duy “nâng chất lượng thay vì số lượng”. Còn tại các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thích hợp để tăng hiệu quả kinh tế.

Chuộng giống lúa chất lượng cao

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động sử dụng nhiều giống lúa chất lượng cao để sản xuất. Cụ thể như vụ Hè Thu, các giống lúa chất lượng cao (OM5451, OM4900, OM576, Đài thơm 8,...) chiếm 64,8%, IR50404 6,2%; ML202 chiếm 16,4%; các giống khác chiếm 12,6%. Trong đó, các xã xuống giống lúa nhiều như: Thiện Mỹ, Xuân Hiệp, Hòa Bình, Tích Thiện,…

Theo ông Huỳnh Tấn Thành- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Mỹ, hiện toàn xã đã thu hoạch dứt điểm vụ Hè Thu với năng suất khoảng 7 tấn/ha, với giá lúa bình quân 6.200 đ/kg và đã xuống giống vụ Thu Đông hơn 40 ngày với diện tích gần 800ha, gồm các giống như OM5451, OM18, OM380.

“Hiện nay, bà con nông dân trồng lúa đã hiểu biết nhiều hơn trong việc lựa chọn giống sản xuất, chủ yếu là giống chất lượng cao, chiếm tỷ lệ từ 80- 85%. Để trang bị thêm kiến thức khoa học khi sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế, địa phương thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long và Viện Lúa ĐBSCL cùng một số đơn vị liên quan triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân”- ông Thành thông tin thêm.

Theo ông Thành, các giống lúa OM do Viện Lúa ÐBSCL nghiên cứu, lai tạo có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chọi sâu bệnh tốt, giúp tiết kiệm chi phí phân thuốc, giá thành cũng phải chăng… nên được nhiều nông dân lựa chọn để canh tác. Ngoài ra, Viện Lúa ÐBSCL còn liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác sản xuất lúa giống ở các ấp Cây Điệp, Đục Dông. Cụ thể, phía đơn vị này sẽ cung cấp giống cho nông dân gieo sạ và đến cuối vụ thì thu mua lúa lại.

Là nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa, ông Lê Văn Sáu (ngụ ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp) vừa xuống giống chất lượng cao OM5451 trên diện tích 15.000m2. “Tui chọn giống lúa xác nhận OM5451 vì giống lúa này có ưu điểm đâm chồi mạnh, kháng sâu bệnh tốt và chịu được mặn”- ông Sáu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho hay: Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã thường xuyên theo dõi bẫy đèn dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hướng dẫn bà con nông dân có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn nông dân về kỹ thuật canh tác, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả

Nhiều người dân tại Trà Ôn cho hay, vài năm trở lại đây diện tích đất trồng lúa ở địa phương này có xu hướng chững lại. Nguyên nhân là do không ít nông dân đã chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng khác từ đất lúa kém hiệu quả.

Theo nhận định của ngành chức năng, dù hiện nay hệ thống đê điều được khép kín nhằm trữ nước ngọt và ngăn mặn xâm nhập, nhưng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng không nhỏ. Từ đó, nông dân buộc phải thay đổi để thích nghi.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp, tổng diện tích lúa trồng ở địa phương khoảng hơn 834ha, chủ yếu là 2 giống OM18, OM5451, còn lại khoảng 10ha diện tích lúa ST25. Vụ Hè Thu này chỉ mới thu hoạch lúa ở 3 ấp với diện tích 120ha, diện tích còn lại đang ở giai đoạn đồng trổ. Hiện ở địa phương diện tích lúa đang bị thu hẹp do nhiều nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái. Trong đó, đa phần người dân ở các địa phương khác đến thuê đất trồng cam.

“Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lẫn tác động thị trường, nông dân trồng lúa rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên họ đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây khác trên đất lúa, trong đó chủ yếu là cam sành. Loại cây trồng này cho lợi nhuận hơn gấp nhiều lần so với cây lúa và góp phần giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả”- ông Lâm cho hay.

Chú Phạm Minh Nghiệp (ngụ ấp Hồi Lộc, xã Xuân Hiệp) cho hay, trước đây khi mặn xâm nhập, việc sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. “Thấy vậy, tui đã chuyển đổi 4 công đất lúa sang trồng cam sành. Trước đó, gia đình tôi chỉ trồng lúa nhưng lợi nhuận thấp. Sau khi chuyển sang trồng cam, hiệu quả kinh tế tương đối cao và ổn định hơn”- chú Nghiệp nhẩm tính.

Theo chú Nghiệp, nông dân bây giờ cũng đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, mạnh dạn thay đổi, thấy đất đai khó canh tác là bắt đầu chuyển hướng khác liền. Hơn ai hết, những người nông dân hiểu mảnh đất của mình cần thay đổi thế nào. Những vùng đất kém hiệu quả đối với cây lúa thì nay bắt đầu thay màu xanh mới của cây ăn trái, như cam, mít,... Không ít nông dân đã ăn nên làm ra nhờ mạnh dạn thay đổi, vì cây ăn trái bén rễ và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với cây lúa.

Bài, ảnh: PHI LONG