Cần giải pháp bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp

Kỳ cuối: Quyết liệt kiểm soát thị trường phân bón

Cập nhật, 21:11, Chủ Nhật, 07/08/2022 (GMT+7)
Vi phạm về phân bón tăng cao trong thời gian qua.
Vi phạm về phân bón tăng cao trong thời gian qua.

Theo ngành chức năng, thời gian gần đây, khi giá phân bón (PB) biến động liên tục thì tình trạng vi phạm về PB giả, kém chất lượng xảy ra ngày càng nhiều khiến nông dân thêm lo lắng, bất an. Bên cạnh các giải pháp kiểm soát giá PB, vật tư nông nghiệp, nông dân mong muốn ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay để dẹp nạn PB giả.

Nông dân khó phân biệt phân bón thật- giả

Tình trạng PB giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương gây tâm lý hoang mang cho bà con nông dân, bởi “nhất nước, nhì phân…” PB chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cây trồng. Khi nông dân mua phải PB giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của nông dân, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sản xuất, kinh doanh PB thật, mà còn gây nguy hại môi trường, sức khỏe con người.

Trước tình trạng PB “muôn hình vạn trạng” như hiện nay, nhiều nông dân bày tỏ lo lắng không thể phân biệt được đâu là phân thật hay giả, chỉ khi bón xuống thấy cây trồng chậm hoặc không phát triển thì mới biết là đã sử dụng PB giả. Chú Phan Văn Sáu (xã Thanh Đức- Long Hồ), chia sẻ: “Dù có gần 20 năm trồng lúa, nhưng tôi cũng không thể nào biết được đâu là PB thật đâu là PB giả, chỉ biết tin vào đại lý, bởi mua PB thường phải mua gối đầu, đại lý nói sao thì tin vậy”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, tình hình giá cả mặt hàng PB có biến động tăng giá, làm gia tăng các hoạt động gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Còn theo Sở Nông nghiệp- PTNT, chỉ trong 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra mặt hàng vật tư nông nghiệp, đã phát hiện 25 vụ vi phạm. Trong đó, có 50% số trường hợp PB kém chất lượng thậm chí là PB giả và 50% vi phạm về thủ tục hành chính và vi phạm nhãn hàng hóa.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, tỷ lệ vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp có tăng so với giai đoạn trước, do giá PB tăng cao, cũng như việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất PB gặp khó khăn từ đợt dịch COVID-19. Tuy nhiên, các vụ vi phạm về chất lượng PB từ đầu năm đến nay phần lớn là vi phạm của các công ty nhỏ, mới tham gia thị trường gần đây. Hiện nay, vật tư nông nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu được cung cấp từ các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh (trong tỉnh khoảng 2- 4%). Qua kiểm tra, giám sát, thị trường vật tư nông nghiệp phong phú, đảm bảo đủ nhu cầu sản xuất của nông dân. Đặc biệt, sản phẩm của các cơ sở sản xuất lớn, có uy tín, đảm bảo chất lượng luôn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường.

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên: Vì sao hiện nay văn bản pháp luật, quy định chế tài xử phạt PB đều rõ ràng, cụ thể và ở mức cao, đủ sức răn đe nhưng vẫn xảy ra tình trạng PB giả, kém chất lượng? Ông Nguyễn Văn Liêm cho rằng: Nguyên nhân là do giá vật tư nông nghiệp quá cao nên người làm ăn không chân chính cố tình vi phạm để trục lợi, chọn địa điểm ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cơ quan chức năng ít để ý đến để làm nơi sản xuất, phối trộn; hoặc chọn vào giờ nghỉ, ban đêm để sản xuất hàng kém chất lượng và tuồn ra thị trường. Đặc biệt, là sử dụng một số chiêu trò về khuyến mãi, kích thích nông dân ham rẻ. Đó là chưa kể, để né lực lượng kiểm tra, các đối tượng sản xuất ở tỉnh này nhưng đi bán ở nhiều tỉnh khác, bán với số lượng rất nhỏ ở các đại lý để trốn tránh. Với các đại lý, vì lợi nhuận, họ còn “cam kết” với nhau nhằm lừa dối nông dân.

Cần giải pháp đồng bộ

Trước tình hình phức tạp, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh PB về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng... góp phần bình ổn thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là bà con nông dân.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay: Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý. Đồng thời, phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để lấy mẫu kiểm tra với mặt hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm mới tham gia thị trường, sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kêu gọi người dân phối hợp với ngành chức năng khi có dấu hiệu nghi ngờ về hàng kém chất lượng, kịp thời báo với ngành chức năng để xử lý.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, đối với các doanh nghiệp sản xuất PB, cần phải chủ động bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm. Tăng cường giới thiệu, hướng dẫn cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại PB để sử dụng có hiệu quả. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh việc chống PB giả, PB nhái, PB kém chất lượng. Bên cạnh đó, các đại lý kinh doanh PB cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đang kinh doanh. Bởi họ là người biết rõ nhất về sản phẩm PB đang kinh doanh là thật hay giả.

“Đối với nông dân, khi chọn mua PB để sử dụng phải xem kỹ nội dung về thành phần, hàm lượng được ghi rõ trên bao bì, nhãn sản phẩm ở nội dung thành phần định lượng để lựa chọn sản phẩm phù hợp với cây trồng và giai đoạn phát triển của cây. Đặc biệt nên lựa các sản phẩm được sản xuất từ những công ty có thương hiệu uy tín trên thị trường. Không nên chọn sản phẩm PB chưa đăng ký hoặc sản phẩm không có ghi nhãn hiệu, thành phần, hàm lượng PB rõ ràng trên bao bì và nhất là tránh những chiêu trò khuyến mãi bất thường của một số sản phẩm chưa có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, để sử dụng PB tiết kiệm và hiệu quả trong điều kiện giá PB đang tăng cao, nông dân cần nắm được một số đặc điểm, tính chất và cách sử dụng của từng loại PB, nhất là phải làm sao tránh được việc thất thoát PB trong quá trình sử dụng” - ông Liêm khuyến cáo.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 39 vụ vi phạm về PB. Các hành vi vi phạm PB chủ yếu là: buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu, hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm hàng hóa cho người tiêu dùng; PB là hàng giả về giá trị, sử dụng, công dụng...

Trong 29 mẫu kiểm nghiệm chất lượng có 5 mẫu kém chất lượng, 6 mẫu là hàng giả về chất lượng, đã xử phạt hành chính trên 840 triệu đồng. Trong số các mẫu có kết quả kiểm nghiệm là hàng giả về chất lượng thì có 1 mẫu có dấu hiệu tội phạm nên được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định. Hiện tại còn 3 mẫu PB đã có kết quả từ cơ quan kiểm nghiệm mẫu, bước đầu xác định là hàng giả về chất lượng, vụ việc đang được tiến hành làm việc với các bên có liên quan để xử lý theo quy định.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

 

Các tin khác: