Cần giải pháp bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp

Cập nhật, 07:13, Thứ Sáu, 05/08/2022 (GMT+7)

Đó là mong muốn và cũng là bức xúc của nông dân hiện nay. Thực tế giá phân bón (PB) tăng mạnh và tăng liên tục đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, lợi nhuận của nông dân. Thêm vào đó, theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian gần đây, tỷ lệ vi phạm về chất lượng PB, vật tư nông nghiệp đã tăng so với giai đoạn trước. PB giả, kém chất lượng, giả nhãn hiệu,… xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều càng khiến nông dân lo lắng.

Kỳ 1: Giá phân bón làm khổ nhà nông

Giá phân bón tăng cao, nông dân giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Giá phân bón tăng cao, nông dân giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Giá PB tăng mạnh khiến nông dân khốn đốn vì chi phí đầu vào tăng quá cao, trong khi đầu ra hàng hóa nông sản, đặc biệt là lúa, không tăng. Không ít nông dân phải bỏ vụ vì không có lời, thậm chí thua lỗ.

Lo lắng vì giá phân bón “leo thang”

Tình trạng giá PB liên tục tăng cao trong thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, khiến nông dân giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trong đó, nông dân sản xuất lúa chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi nhu cầu sử dụng PB cho lúa cao hơn các loại cây trồng khác. Theo các chuyên gia kinh tế, giá vật tư nông nghiệp trong nước tăng do Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên chịu ảnh hưởng từ giá thế giới tăng, đồng thời giá xăng dầu biến động làm chi phí vận chuyển tăng nên tác động tăng giá trong thời gian qua.

Nhiều chủ đại lý PB cho biết, từ đầu vụ đến nay, PB liên tục tăng giá. Trong khi giá cả nhiều nông sản bị sụt giảm thì chi phí đầu vào, đặc biệt là giá PB lại tăng rất cao. Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng là yếu tố có tác động lớn đến giá PB trong nước. Tuy nhiên, việc giá PB tăng từ 50- 80% và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác kiểm soát, bình ổn giá, ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác của bà con nông dân.

Chi phí đầu tư sản xuất tăng, trong khi giá bán lúa không tăng khiến nhiều nông dân trong tỉnh chỉ sản xuất 2 vụ, thay vì 3 vụ lúa/năm như những năm trước, do nhận thấy việc đầu tư sản xuất sẽ không có lợi nhuận. Nhiều nông dân tính toán: Những năm trước, chi phí PB cho mỗi vụ khoảng 1- 1,3 triệu đồng, nhưng hiện nay giá PB tăng cao, mỗi vụ đã tốn gấp đôi chi phí phân, thuốc. Với tình trạng này, không ít nông dân nghĩ đến bỏ ruộng để chuyển sang làm việc khác.

Lời vài trăm ngàn đồng cho 1 công lúa, cô Huỳnh Thị Ánh (xã Phú Đức- Long Hồ), cho hay: “Vụ này năng suất lúa 500 kg/công, tôi chỉ lời chừng 600.000 đ/công, vì PB mắc quá trời, trên 1 triệu đồng/bao phân, rồi chi phí thu hoạch cũng tăng, không lỗ là mừng rồi”. Vừa thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu nhưng không có lời, chị Lê Thị Thu (Thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho hay: “Tôi thuê 4 công ruộng làm, giá PB tăng gấp đôi so với vụ năm trước, thêm năng suất vụ này cũng không cao, cộng thêm tiền cắt, xới cũng tăng, tiền thuê đất, nên vụ này coi như cầm lỗ chắc”.

Bỏ vụ Thu Đông năm nay vì chi phí đầu tư quá cao, chú Nguyễn Văn Năm (xã Hòa Thạnh- Tam Bình), cho hay: “Giá lúa thấp trong khi giá PB quá cao, nên nông dân không có lợi nhuận. Do đó, tôi không xuống giống vụ Thu Đông này vì lo làm sẽ lỗ tiếp, đồng thời bỏ vụ để đất tạo dinh dưỡng, tạo màu mỡ, để giảm chi phí đầu tư hơn, chuẩn bị vụ Đông Xuân tới”.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời gian qua, giá vật tư PB, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao và người nông dân gieo trồng các loại giống được sử dụng liên tục qua nhiều năm, tác động đến năng suất và sản lượng vụ lúa bị sụt giảm, nhiều nông dân không có lợi nhuận. Theo đó, nhiều nông dân cũng đã rút sản xuất 2 vụ thay vì 3 vụ như trước. Trên địa bàn tỉnh cũng có một số địa phương không xuống giống Thu Đông như mọi năm, vì lo làm lúa không lời.

Tìm giải pháp tiết kiệm, thay thế

Để “gỡ khó” trước tình trạng PB tăng cao, không ít nông dân đã tự tìm cách thay thế một phần PB hóa học bằng việc tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để làm PB hữu cơ, bón lại cho cây trồng. Theo ngành nông nghiệp, với giá PB đang tăng cao thì người nông dân khi tận dụng được nguồn phụ phế phẩm để làm PB thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Đây cũng là hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp bền vững, không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm chi phí mà còn hạn chế sự lãng phí, giảm tối đa chất thải ra môi trường.

Trước áp lực PB tăng liên tục, anh Lâm Hoàng Chí (xã Thanh Đức- Long Hồ), cho hay: “Tôi có 2 công trồng thanh long xen mít. Để tiết kiệm chi phí PB, tôi tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp, các loại rau màu có mùi cay nồng như ớt, củ gừng, rau răm, mồng tơi, hoặc nha đam cộng thêm chế phẩm EM để phun trừ sâu hại, đồng thời kết hợp sử dụng phân dơi, PB hữu cơ vi sinh để tưới cây. Không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng. So với thời gian trước chỉ sử dụng hoàn toàn bằng PB vô cơ, thì chi phí đã giảm khoảng 20%”.

Thời gian qua, để đảm bảo năng suất cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) cũng đã tuyên truyền bà con nông dân tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Trong đó, đối với cây lúa, nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng, sử dụng giống lúa xác nhận, hạn chế việc tự để giống; áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất: làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót cân đối, đầy đủ theo quy trình.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, ông Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo: Nông dân nên sử dụng PB cân đối, hợp lý, tuân thủ nguyên tắc “1 phải, 5 giảm”, như: Giảm giống, giảm PB, thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, phải tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả PB. Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại PB hữu cơ, sử dụng phân đơn ở từng giai đoạn thích hợp để cải tạo và tăng độ màu mỡ cho đất, kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến để tăng hiệu quả sử dụng PB, tiết kiệm giảm chi phí, giảm sự lệ thuộc PB hóa học, từ đó giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để tiết kiệm chi phí, một số nông dân đã tận dụng phế phẩm nông nghiệp, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.
Để tiết kiệm chi phí, một số nông dân đã tận dụng phế phẩm nông nghiệp, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.

Trong điều kiện chi phí vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá PB đắt đỏ thì giải pháp “lơi vụ lúa”, hoặc sử dụng PB hữu cơ đã được người dân thực hiện để giảm chi phí. Song đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, bởi theo nhiều nông dân, không thể mỗi năm mỗi “lơi vụ” và dù muốn tiết kiệm chi phí nhưng PB hữu cơ sẽ không thể nào thay thế cho PB vô cơ đối với các loại cây có nhu cầu dinh dưỡng cao. Do đó, về lâu dài, theo ngành chức năng, người dân cần thay đổi tập quán canh tác, biện pháp sản xuất để giảm chi phí.

Đồng thời, người dân cũng rất mong muốn ngành chức năng có các giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp về giá cả lẫn chất lượng, nhất là khi tình trạng PB giả xuất hiện và “hành” nông dân ngày càng nhiều trong thời gian qua, để người dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: TRÀ MY

>> Kỳ cuối: Quyết liệt kiểm soát thị trường phân bón