Nhà nông tìm hiểu

Chăn nuôi dê lấy thịt hiệu quả

Cập nhật, 06:46, Thứ Ba, 17/05/2022 (GMT+7)

Tôi muốn nuôi dê thịt nhưng chưa có kinh nghiệm nuôi. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê thịt nhốt trong chuồng mang lại hiệu quả cao.

Bùi Thanh Tú

(Thị trấn Cái Nhum- Mang Thít)

Anh Tú mến!

Dê là loài vật nuôi có khả năng chống lại bệnh tật tốt, phát triển trong một thời gian ngắn. Rủi ro trong chăn nuôi dê cũng ít hơn so với các loài vật nuôi khác. Kỹ thuật chăn nuôi dê không khó, chỉ cần bỏ tâm huyết quan tâm, chăm sóc đàn dê thì sẽ mang lại hiệu quả.

Trước hết, khi làm chuồng, nên lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để chuồng thông thoáng, mát mẻ. Lựa chọn vị trí làm chuồng sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa khu dân cư, nguồn nước nhưng phải đảm bảo dễ dàng quản lý, chăm sóc và vệ sinh.

Mật độ thả dê trong chuồng đối với dê con khoảng 0,5 m2/con, đối với dê trưởng thành khoảng 3 m2/con.

Khi nuôi dê nhốt chuồng khép kín, trong chuồng nuôi phải treo máng thức ăn tinh, máng thức ăn thô xanh, máng uống. Những loại thức ăn cho dê phổ biến nhất hiện nay là lá cây các loại, các loại cỏ, các loại đậu, rau củ, các thức ăn có tinh bột như khoai, sắn,… những thực phẩm khác như giá, bã đậu… thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Thức ăn thô xanh chiếm hơn 70% trong tổng nguồn thức ăn của dê. Nên cho dê ăn thay đổi khẩu vị, không nên cho ăn một loại một cách thường xuyên vì dễ gây nhàm chán, ảnh hưởng không tốt tới sinh trưởng. Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm các loại khoáng và vitamin cho dê tăng sức đề kháng và phát triển tốt.

Dê dễ mắc các bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng… đây đều là những bệnh có tỷ lệ chết cao. Do đó, khi nuôi dê nhốt chuồng phải lưu ý các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, định kỳ khử trùng cho chuồng nuôi bằng nước vôi. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu nước, phát bụi rậm xung quanh để hạn chế mầm bệnh. Cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kịp thời phát hiện con dê ốm yếu, bệnh để cách ly. Phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vắc xin cho đàn dê theo chỉ dẫn của các cơ quan thú y. Dê cần được tẩy giun ít nhất 2 lần/năm để giữ sức khỏe tốt.

BẠN NHÀ NÔNG