Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP

Cập nhật, 05:37, Thứ Ba, 26/04/2022 (GMT+7)
Với việc áp dụng mô hình SRP (Sustainable Rice Platform- Diễn đàn lúa gạo bền vững), không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, còn làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, quản lý dịch bệnh tổng hợp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Sản xuất sạch- bảo vệ môi trường.
Sản xuất sạch- bảo vệ môi trường.
Nhiều lợi ích cho nông dân
 
SRP là một liên minh đa đối tác toàn cầu hợp tác nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên trong các hoạt động thương mại, sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. SRP bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, như: sử dụng nước, chuẩn bị xuống giống, thu hoạch và sau thu hoạch, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động.
 
Bà Trần Nguyễn Hạ Trang- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, cho hay: Mục tiêu của SRP là giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, đồng thời củng cố thu nhập cho hộ nhà nông nhỏ và góp phần vào an ninh lương thực.
Tập đoàn Lộc Trời triển khai tập huấn mô hình cho nông dân tại Vĩnh Long.
Tập đoàn Lộc Trời triển khai tập huấn mô hình cho nông dân tại Vĩnh Long.
 
Theo đó, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo, điều này góp phần bảo vệ môi trường. Ứng dụng mô hình SRP giảm chi phí sản xuất hơn so với bên ngoài. Lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu.
 
Việc đánh giá và tính điểm được tiến hành vào cuối vụ, từ “Sổ nhật ký đồng ruộng” và phiếu phỏng vấn. Tùy theo số điểm tại thời điểm đánh giá, mô hình sản xuất được xem là: chưa bền vững, bền vững hay đang hướng đến sự bền vững. “Để kiểm soát quy trình canh tác, nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất. Việc làm này còn giúp nông dân hạch toán chi phí sản xuất và lợi nhuận rất dễ dàng.
 
Tham gia mô hình, nông dân còn được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật canh tác,… Từ đó, khuyến khích nông dân thay đổi nhận thức về canh tác lúa gạo”- bà Trang cho biết thêm.
 
Được tập huấn về lợi ích của việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, chú Phạm Văn Minh (Ấp 9, xã Mỹ Lộc- Tam Bình), cho hay: “Tôi có 15 công ruộng tham gia liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP sẽ giúp quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Chưa kể khi lúa sản xuất đạt chuẩn SRP được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn bình thường, tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế hơn. Theo đó, thu hoạch lúa xong không còn phải lo đầu ra bởi chất lượng lúa sạch đã được bao tiêu với giá ổn định hoặc cao hơn thị trường theo chuỗi liên kết”. 
 
Góp phần nâng cao giá trị hạt gạo
 
Các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, khi được tham gia sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP sẽ là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để lúa gạo Việt Nam tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tiên tiến; tiếp cận với những đối tác lúa gạo hàng đầu... Khi đạt được chứng nhận SRP, thì hạt gạo Việt Nam sẽ được giới thiệu đi nhiều nước trên thế giới, nâng tầm hạt gạo Việt Nam và giá bán cũng tăng lên. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thế giới.
 
Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, cho biết: Thời gian qua, việc liên kết sản xuất giữa nông dân với Tập đoàn Lộc Trời đã mang lại hiệu quả cao. Không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, quy trình canh tác được cải thiện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng lúa mà còn góp phần nâng chất, đẩy mạnh liên kết sản xuất với tổ chức nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu.
 
“Bên cạnh đó, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn SRP rất thiết thực, đem lại hiệu quả rất tích cực cả về mặt kinh tế và môi trường. Đây là xu thế sản xuất mới gắn với hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập huấn, tuyên truyền để nông dân biết được lợi ích của mô hình này, từ đó nhân rộng mô hình”- ông Chiến cho biết thêm.
Áp dụng mô hình SRP, làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Áp dụng mô hình SRP, làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
 
Là tổ chức duy nhất trên thế giới đến thời điểm này đạt 100 điểm SRP trong 2 năm liên tục 2020- 2021, ông Dương Minh Triều- Giám đốc Lộc Trời 1.000 khu vực Vĩnh Long, cho biết: Tập đoàn tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa. Theo đó, tại Vĩnh Long, tập đoàn chọn 100ha sản xuất lúa trong 360ha đã thực hiện liên kết tại Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ để thực hiện triển khai mô hình và tập huấn cho nông dân áp dụng. Tập đoàn mong muốn nâng cao nhận thức canh tác lúa cho bà con nông dân, hướng tới sản xuất xanh và bền vững.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG