Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững

Cập nhật, 08:52, Thứ Năm, 28/04/2022 (GMT+7)

 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cần thiết.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cần thiết.

Từ một tỉnh thuần nông, qua 30 năm, ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản Vĩnh Long tiếp tục phát triển ổn định và khá toàn diện. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, từng bước hướng đến nền NN công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng xu thế thị trường.

Thay đổi tư duy sản xuất

Đánh giá về sự chuyển biến diện mạo NN- nông thôn so với khi vừa tái lập tỉnh đến nay, bức tranh tổng thể NN đã có nhiều điểm sáng, diện mạo nông thôn nhiều đổi mới. Ngành NN đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Đến cuối năm 2021, tỷ trọng ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 39,85%, cho thấy sản xuất NN vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, khẳng định vai trò trụ đỡ kinh tế. Trong từng lĩnh vực sản xuất NN đều có chuyển biến mạnh mẽ.

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Phan Nhựt Ái- Nguyên Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh: So với những năm vừa tái lập tỉnh, ngành NN tỉnh nhà đã có những bước phát triển quan trọng. Theo đó, không chỉ khai thác tốt nguồn nguyên liệu, thế mạnh, tiềm năng tại địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân. Năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi liên tục phát triển qua từng năm. Từ địa phương có diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì nay đã dần hình thành những vùng nguyên liệu sản xuất lớn, trang trại quy mô, tạo nên khối lượng hàng hóa nông sản lớn, chất lượng đồng đều. Cùng với đó là sự chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng hiệu quả.

“Điểm nổi bật đó là nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN. Việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, giúp nông dân tăng giá trị sản phẩm”- ông Ái cho biết thêm.

Vui mừng trước những đổi thay của đồng ruộng, ông Phạm Văn Hải, 65 tuổi (Ấp 9- xã Mỹ Lộc- Tam Bình), cho biết: “Làm ruộng bây giờ khỏe hơn trước kia nhiều, không còn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Nếu như 30 năm trước còn sản xuất lúa bằng tay chân, thì giờ đã có máy gặt đập liên hợp, phun thuốc bằng máy bay drone,... Năng suất, chất lượng lúa cũng được nâng lên. Nông dân cũng bớt tư tưởng “mạnh ai nấy làm” mà chuyển sang liên kết, nhờ vậy mà không còn lo đầu ra”.

Theo Sở NN- PTNT, so với các tỉnh khác trong khu vực, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất NN và từng bước phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại. Vĩnh Long ở trung tâm ĐBSCL, tiếp giáp với nhiều địa phương, có tiềm năng tiếp nhận và phân phối nông sản. Tỉnh có vị trí thuận lợi cho cung ứng nông sản; có khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm chất lượng cao cho các thị trường đô thị lớn trong khu vực. Tỉnh còn điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, cơ bản nước ngọt quanh năm; lượng mưa không quá lớn; thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất NN như trái cây nhiệt đới, cá tra, chăn nuôi heo, gia cầm...

Phát triển theo xu thế hiện đại

Giám đốc Sở NN- PTNT Trương Thành Dãnh, cho rằng: Số lượng trại nuôi gia công gia cầm ứng dụng công nghệ cao, trại nuôi heo ứng dụng công nghệ cao của Vĩnh Long hiện khá cao so với các tỉnh phía Nam sông Tiền. Nhiều mô hình nuôi cá tra khá hiệu quả dọc sông Măng Thít, sông Tiền, sông Hậu. Thêm vào đó, nông dân trong tỉnh rất nhạy bén trong tiếp cận tiến bộ kỹ thuật. Một số mô hình có khả năng cung cấp sản lượng rất cao so với mô hình truyền thống, như trồng cam sành trên đất ruộng cho 80- 100 tấn/ha/năm.

“Vĩnh Long có đủ điều kiện về vị trí, thổ nhưỡng và con người để phát triển NN ứng dụng công nghệ cao. Và đây cũng là con đường duy nhất để NN của tỉnh từng bước khắc phục nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất NN”- ông Dãnh khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành NN tỉnh cũng còn gặp phải những khó khăn, rào cản. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN trên địa bàn tỉnh còn chưa nhiều. Tư duy về phát triển sản xuất NN theo hướng tăng hiệu quả, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức…

Cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng hiệu quả.
Cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành NN, để hướng đến nền NN công nghệ cao, hiện đại, đòi hỏi ngành NN phải nỗ lực rất lớn. Ông Trương Thành Dãnh cho rằng, thời gian tới, trọng tâm của ngành tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: Tạo chuyển biến chất lượng nông sản, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, hữu cơ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh về liên kết, tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã NN, tổ hợp tác; hỗ trợ thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với phát triển, lồng ghép khuyến khích liên kết trong xây dựng mô hình khuyến nông... Tạo nên một tinh thần liên kết trong nông dân để sản xuất theo hướng thị trường, phát triển kinh tế NN, chuyển đổi số trong NN; tăng cường thu hút đầu tư vào NN nông thôn,…

Và với mong muốn NN của tỉnh tiếp tục phát triển, tạo sinh kế ổn định cho nông dân, ông Trương Thành Dãnh, kiến nghị: Trung ương sớm có quy định, hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các hợp tác xã NN. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất NN của tỉnh cũng như cả nước. Đồng thời, kiến nghị Trung ương xem xét, có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp chế biến nông sản. Bên cạnh đó, kiến nghị hỗ trợ các tỉnh trong khu vực hoàn thiện các hạ tầng nhằm hỗ trợ giao thương hàng hóa nông sản được thuận lợi.

Bài, ảnh: THẢO LY