Hiệu quả từ việc đưa màu xuống ruộng

Cập nhật, 14:07, Thứ Năm, 21/04/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, việc đưa cây màu xuống ruộng đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, đồng thời còn giúp nông dân giải quyết được áp lực về biến đổi khí hậu, hạn mặn.

Đưa rau màu xuống ruộng góp phần thích ứng tình trạng hạn, mặn.
Đưa rau màu xuống ruộng góp phần thích ứng tình trạng hạn, mặn.

Đưa cây màu xuống ruộng đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, tính đến cuối tháng 3/2022, nông dân đã xuống giống trên 27.100ha rau màu. Giải pháp này không những cải tạo độ màu mỡ cho đất, hạn chế đáng kể mầm bệnh từ vụ trước, mà còn thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Tại một số địa phương, trong số các loại cây màu, cây dưa hấu đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, không chỉ giúp nông dân giải quyết được áp lực nước tưới tiêu mùa hạn mặn, mà còn tạo được việc làm, tăng thêm thu nhập.

3 năm nay, sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, anh Bùi Văn Diệu (xã Long An- Long Hồ) đã chuyển gần 5 công đất trồng lúa sang trồng dưa hấu. Theo kinh nghiệm của anh Diệu, trong vụ Hè Thu, thời tiết khắc nghiệt hơn vụ Đông Xuân, nên việc trồng dưa hấu sẽ giúp tiết kiệm được nước tưới so với trồng lúa. Bên cạnh đó, thời gian cho thu hoạch cũng ngắn hơn, lợi ích kinh tế cũng cao hơn. Anh Diệu chia sẻ: “Diện tích dưa đang phát triển tốt. Tuy cũng có bệnh thán thư và các bệnh khác, nhưng do mình chủ động trước nên dưa phát triển tốt, hư hại không đáng kể. Trồng dưa sẽ chủ động được nguồn nước tưới hơn”.

Một số nông dân trồng dưa hấu vụ Hè Thu cũng cho hay, dưa hấu là cây màu ngắn ngày, chỉ khoảng 55 ngày là có thể thu hoạch, lại không sử dụng nước nhiều như lúa, nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn mặn. Về lợi nhuận kinh tế thì cũng cao hơn nhiều lần so với trồng lúa bởi mùa nắng nóng, thị trường tiêu thụ dưa hấu cũng tốt hơn.

Anh Ngô Hoàng Phong (xã Long Mỹ- Mang Thít), cho hay: “Ở xã này, trồng màu nhiều hơn lúa, lúa chỉ có vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu nếu trồng lúa khi bị hạn mặn thì khó trong việc đóng- xả cống, còn trồng màu thì có thể ít xài nước hơn”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít- Hồ Phước Dư cho hay: Thời gian qua, nông dân chuyển đổi cây trồng xuống ruộng khá nhiều, trong đó, đem cây màu xuống ruộng cũng đem lại nhiều hiệu quả, góp phần giúp nông dân thích ứng tình trạng hạn mặn, biến đổi khí hậu, đồng thời, giúp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với trồng lúa. Diện tích chuyển đổi nhiều chủ yếu ở xã Long Mỹ, Mỹ An, Chánh An,…

Tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng tại các vùng lúa kém hiệu quả sang cây màu hoặc cây ăn trái. Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân hạn chế việc sử dụng phân thuốc hóa học thay thế bằng các loại phân hữu cơ, từ đó, nâng dần chất lượng, giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho hay: “Những vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao chúng tôi đề nghị tạm ngưng sản xuất, thay vì trước đây làm 3 vụ thì năm nay làm 2 vụ. Đồng thời, khuyến khích nơi có điều kiện nên chuyển đổi sang trồng rau màu để tận dụng thời gian nhàn rỗi ổn định thu nhập, tránh được thiệt hại do hạn, mặn”.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức thăm đồng thường xuyên, bám sát từng địa bàn cụ thể, phát hiện sớm sâu bệnh trên lúa, rau màu, cây ăn trái để hướng dẫn phòng trị kịp thời. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình phòng trị dịch hại cụ thể, phù hợp với đặc điểm canh tác của từng địa phương, kịp thời cung cấp thông tin tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân nắm bắt kịp thời và thực hiện các giải pháp phòng trị hiệu quả. Đồng thời, phát triển rau an toàn; tăng cường đưa cây màu luân canh trên đất lúa; tiếp tục cải tạo vườn tạp, vườn có hiệu quả kinh tế thấp; tuyên truyền vận động người sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả bền vững, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân, nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: TRÀ MY