Giá gạo có thể tiếp tục tăng

Cập nhật, 06:46, Thứ Sáu, 22/04/2022 (GMT+7)

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong quý I, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia cho rằng, giá gạo tiếp tục xu thế tăng vì tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu.

Chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện, khẳng định.
Chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện, khẳng định.

Vụ Đông Xuân nông dân có lời

Thu hoạch 8 công lúa Đông Xuân hồi tháng 2 âl, anh Đặng Văn Tuấn ở Thạnh Quới (Long Hồ) cho biết, anh sạ giống OM18, thu hoạch sau 3 tháng, năng suất khoảng 35 giạ/công, giá bán 115.000 đ/giạ. Theo anh Tuấn, giá lúa vụ Đông Xuân năm nay thấp hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 15.000 đ/giạ. Giá phân thuốc tăng cao nên chi phí đầu tư tốn khoảng 10 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 triệu đồng so vụ trước. Tuy nhiên, với giá 115.000 đ/giạ thì sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 3 triệu đồng/công.

Ruộng gần anh Tuấn, anh Đặng Văn Sang cho biết, thuận lợi là 1 tháng trước khi thu hoạch thì thương lái đã đặt cọc, kêu máy cắt và vận chuyển đến nơi cân lúa tươi, “chủ ruộng chỉ việc tới ngày hẹn cắt thì đem bao đựng lúa, coi cân và nhận tiền”. Bán hết 4 công lúa tươi, trừ chi phí anh Sang lời khoảng 12 triệu đồng. Anh mua giống OM18 tại vựa bán vật tư nông nghiệp gần nhà, sạ tiếp vụ Hè Thu, hiện đã được 30 ngày. “Vụ Hè Thu năng suất thường thấp hơn vụ Đông Xuân nhưng tiền phân thuốc thì vẫn cao nên mong giá lúa sẽ cao hơn để có lời”- anh Sang nói.

Chị Lệ- chủ tiệm gạo Khải Hoàn- Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết, tiệm của chị bán đủ các loại gạo thơm lài, gạo thơm Thái, thơm Jasmine, Thần Tài, ST25, IR 50404, Hàm Châu, Tài Nguyên… với giá từ 12.000- 25.000 đ/kg “loại khô cơm hay dẻo, mềm cơm đều có”. Chị Lệ cho biết thêm, sau Tết Nguyên đán, giá gạo khá ổn định. Gần đây có loại đang nhích lên vài trăm đồng/kg. “Bán đắt nhất là gạo thơm lài, thơm Thái, giá từ 12.000- 13.500 đ/kg. Trong đó, giá 13.500 đ/kg là loại gạo ngon, dẻo và mềm cơm”.

Theo ghi nhận, hiện thị trường lúa gạo các tỉnh ĐBSCL sôi động hơn khi lúa Đông Xuân đang được thu hoạch, giá lúa tăng nhẹ.

Giá gạo có thể tiếp tục tăng

Theo giới chuyên gia, giá gạo sẽ còn tiếp tục xu thế tăng, vì tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm 2021. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo ngày 13/4 của nước ta đang dẫn đầu trong các nước lớn xuất khẩu gạo. Cụ thể, gạo 5% tấm đạt 415 USD/tấn và 395 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Còn theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong quý I, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. Các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) tiếp tục mang lại cho gạo Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao. Cụ thể, sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU bởi chất lượng gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua đã không ngừng được cải thiện. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng.

Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân, bán lúa tươi tại ruộng.
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân, bán lúa tươi tại ruộng.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, giá gạo Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đạt giá trị cao và hiện đang cao hơn giá gạo Thái Lan. Bởi, Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam ở nhiều thị trường “khó tính”. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt Nam.

™Bài, ảnh: SÔNG HẬU