Dịch bệnh trên thủy sản: Chủ động phòng bệnh ngay từ đầu

Cập nhật, 22:00, Thứ Năm, 24/02/2022 (GMT+7)

 

Người nuôi thủy sản cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.Ảnh: TL
Người nuôi thủy sản cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.Ảnh: TL

Hiện nay, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa lũ,... làm môi trường nuôi bị thay đổi nhanh và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh. Do đó, để bảo vệ thủy sản, giảm thiệt hại, công tác phòng bệnh ban đầu rất quan trọng.

Tiềm ẩn dịch bệnh

Theo Cục Thú y, diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra tại nhiều vùng nuôi gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cho các hoạt động sản xuất. Trong khi đó, những tác nhân gây bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại một số vùng nuôi,...

Tại Vĩnh Long, hiện nay vùng nuôi cá lồng bè của tỉnh vẫn tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long. Trong năm qua, các yếu tố môi trường thường xuyên biến động do thời tiết nắng nóng, kèm những cơn mưa dông trong giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng của mưa bão và đặc biệt là chất lượng nước trên sông biến động (mùa nước son) là nguyên nhân xuất hiện bệnh trên cá điêu hồng như: xuất huyết, phù mắt, ký sinh… Trong năm 2021, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã xét nghiệm 97 mẫu cá (77 mẫu cá tra và 20 mẫu cá điêu hồng). Kết quả, có 77 mẫu cá tra nhiễm bệnh ký sinh, xuất huyết, gan thận mủ; 20 mẫu cá điêu hồng nhiễm bệnh ký sinh, xuất huyết, gan thận mủ, trắng mang.

Theo nhiều người nuôi thủy sản, bệnh trên thủy sản có xảy ra hay không còn phụ thuộc sức đề kháng của đối tượng nuôi và chất lượng môi trường nước. Nuôi gần 4 công cá tai tượng, anh Trương Văn Thái (xã Chánh An- Mang Thít), cho biết: “Mùa này, do nắng nóng nên cá cũng xuất hiện bệnh khá nhiều, khi cá bị bệnh dùng thuốc điều trị rất tốn kém. Không chỉ giá thức ăn tăng mà thuốc trị bệnh trên thủy sản cũng tăng, khiến chi phí đội lên, nếu giá cá không ổn định, khó có lời”.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho hay: Chi cục đã khuyến cáo các cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh để hạn chế hao hụt. Đồng thời, thực hiện tốt giải pháp neo đậu lồng bè, kiểm tra thường xuyên các dây neo, tó… để chủ động phòng, tránh thiệt hại do thời tiết diễn biến bất thường.

Phòng bệnh ngay từ ban đầu

Để bảo vệ nguồn thủy sản nuôi, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

Cụ thể, cần quản lý tốt môi trường nuôi để tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao sức đề kháng tự nhiên, từ đó, làm hạn chế sự tồn tại và phát triển của mầm bệnh thủy sản. Không nên nuôi quá thưa làm lãng phí diện tích ao, lồng nuôi. Tránh mật độ nuôi quá dầy dẫn đến cạnh tranh về dinh dưỡng, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh khi nuôi…

Theo anh Thái, trước mỗi vụ nuôi cần vệ sinh sạch ao, tát cạn, khử trùng ao nuôi bằng vôi bột, diệt tạp, khử trùng lưới... Nước thải từ các ao nuôi cần được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, đề phòng lây lan dịch bệnh ra toàn vùng nuôi.

“Hàng ngày, thường xuyên quan sát hoạt động bơi, bắt mồi, màu sắc của cá để phát hiện sớm hiện tượng cá bị bệnh. Khi cá bị bệnh cần vớt ngay cá chết, loại cá bệnh nặng ra khỏi ao và xử lý số cá này bằng nhiệt như nấu chín làm thức ăn gia súc, tránh ném cá bệnh, cá chết ra ngoài lồng nuôi, tránh dùng cá chết bệnh làm thức ăn cho các loài cá nuôi khác khi chưa xử lý nhiệt”- anh Thái cho biết thêm.

Cần thường xuyên quan sát cá để phát hiện sớm hiện tượng cá bị bệnh.
Cần thường xuyên quan sát cá để phát hiện sớm hiện tượng cá bị bệnh.

Với kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm, anh Trần Thái Bảo (xã An Bình, Long Hồ), chia sẻ: “Cá giống trước khi đưa vào ao nuôi cần được kiểm tra và xác định là không nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Trong khu vực nuôi cá cần hạn chế người và động vật khác qua lại để tránh sự xâm nhập của các sinh vật mang mầm bệnh vào trong hệ thống nuôi.

Khi cá bị bệnh, cần chẩn đoán xác định bệnh và có thể dùng thuốc trộn thức ăn cho cá ăn, cần trộn đảo đều, thuốc cần được bổ sung tá dược bám dính vào thức ăn, hạn chế thuốc tan vào môi trường nước gây lãng phí và giảm hiệu quả. Khi điều trị cần cho cá ăn đủ liều lượng và đúng liệu trình”.

Về định hướng phát triển nguồn thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, ông Lê Thanh Tùng, cho biết: Năm 2022, Chi cục sẽ tăng cường công tác quản lý dịch bệnh ở các vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh; tiếp tục công tác giám sát chủ động dịch bệnh cá tra nuôi; giám sát mẫu cá và mẫu bùn đối với bệnh xuất huyết và gan thận mủ trên cá tra nuôi.

Thực hiện công tác quan trắc và cảnh báo môi trường: mẫu nước cấp, mẫu nước ao đại diện và mẫu nước cấp vùng nuôi cá lồng bè. Bên cạnh đó, phổ biến pháp luật và tiến bộ kỹ thuật nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế theo nhu cầu thực tế, đề xuất xây dựng và phát triển các mô hình nuôi thủy đặc sản mang hiệu quả kinh tế cao.

Theo Cục Thú y, trong năm 2021, một số bệnh chủ yếu thường gặp trên thủy sản (chủ yếu trên cá tra) là: bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng. Ngoài ra còn một diện tích nhỏ cá tra bị thiệt hại do các yếu tố môi trường, thời tiết. Từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 14ha cá tra nuôi bị các bệnh như gan thận mủ, xuất huyết và bệnh do ký sinh trùng tại các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp.

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN