Mùa khoai giá thấp và câu chuyện kết nối cung cầu

Cập nhật, 15:17, Thứ Năm, 03/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp… những ngày qua đã phần nào hỗ trợ nông dân Bình Tân tiêu thụ lượng khoai lang lớn còn nằm trên đồng. Tuy nhiên, câu chuyện kết nối thị trường sản xuất- tiêu thụ để phát triển lâu dài, bền vững vùng nguyên liệu nông sản là vấn đề đang đặt ra.

Chú Nguyễn Văn Đức miệng cười nhưng lòng dạ héo hon bên đống khoai 14 công, dỡ ngày 29/5/2021, bán giá 40.000 đ/tạ.
Chú Nguyễn Văn Đức miệng cười nhưng lòng dạ héo hon bên đống khoai 14 công, dỡ ngày 29/5/2021, bán giá 40.000 đ/tạ.

Mùa khoai lỗ nặng

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân, hiện nay diện tích khoai lang trên đồng ruộng còn khoảng 4.000ha, trong đó diện tích đến mùa thu hoạch 850ha, sản lượng ước 25.000 tấn.

Giá khoai những ngày qua được thương lái thu mua 40.000 đ/tạ (60kg), với mức giá này nông dân không đủ tiền trả chi phí nhân công thu hoạch, nên nhiều hộ nông dân tính bỏ ruộng khoai cải tạo đất chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Nếu khoai lang không được thu hoạch hết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, ngộ độc hữu cơ, ảnh hưởng đến vụ sản xuất tiếp theo.

Không “để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây” rồi mới kêu “giải cứu”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT- Lê Minh Hoan, trả lời báo chí và cho rằng: dù có dịch COVID-19 hay không thì lâu lâu xảy ra hiện tượng cung vượt cầu. Bộ Nông nghiệp- PTNT phải có lời giải mang tính chất dài hạn, bền vững hơn là đợi đến dư thừa mới ra quân thì đã muộn, giá trị nông sản đã xuống. Mỗi sở nông nghiệp- PTNT cần phải xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất, sản lượng nhiều mà phải kết nối được tư duy kinh tế với tư duy thị trường. Nếu không kết nối được thị trường dù trong nước hay nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.

Dọc tuyến kinh Mười Thới (xã Tân Thành- Bình Tân) đang vào mùa rộ thu hoạch khoai, những ruộng khoai đang cắt dây, dựng trại giữa đồng đưa khoai vào phân loại, sơ chế, cân cho thương lái…

Khác với không khí tất bật của nhân công, nhiều chủ ruộng cười như mếu vì “khoai được ký mà giá rẻ bèo”.

Chú Nguyễn Văn Đức ở ấp Tân Dương (xã Tân Thành) đứng bên đống khoai vừa được cộ vào trại cho biết: “Tui làm 14 công khoai. Giá có 40.000 đ/tạ, coi như bỏ vốn, còn lỗ tiền nhân công.

Mọi năm mùa này không dưới 500.000 đ/tạ, năm nay giá 10 tạ khoai chưa bằng 1 tạ năm ngoái”.

Chú Đức bảo làm khoai hơn 40 năm, nhưng “lời nhiều hay ít chớ không bao giờ lỗ”.

Từ hơn tháng nay, giá khoai chỉ có giảm, “thương lái mua cầm chừng, đầy ghe là ngưng mua.

Mỗi lần ngưng mua giá lại rớt thảm hơn. Vả lại, mọi năm lái tranh nhau mua, tạ khoai 60kg tính 62kg, nhưng năm nay ít người mua lại đòi nâng số ký lên 65 kg/tạ “họ nói trừ hao mưa gió, mình cũng phải bấm bụng chịu, bán được đã mừng”- chú Đức vừa nói vừa lắc đầu lia lịa.

Trong khi đó, ở bên kia kinh Mười Thới, chú Ba Hoàng, anh Năm Răng, chị Thanh… cùng nhiều nông dân khác đang coi máy xới ruộng khoai vừa dỡ xong, bán xô tại ruộng chỉ 30.000 đ/tạ. Nhiều người bỏ khoai cho “ai dỡ được thì lấy” hoặc cho cày vùi để sạ lúa.

Theo tính toán, “vụ khoai 4- 6 tháng, chi phí đầu tư không dưới 15 triệu (đất nhà) cộng thêm 2- 2,5 triệu tiền nhân công thu hoạch, với giá hiện nay chỉ có lỗ. Những người mướn đất trồng khoai còn lỗ thêm 5 triệu đồng”- anh Năm Răng rầu rầu.

Chú Nguyễn Thanh Tâm- Hội Nông dân ấp Tân Dương cho rằng vụ khoai này cầm chắc lỗ, nhưng khuyến cáo nông dân phải dỡ khoai hết mới cày xới.

Hơn nữa, “trồng khoai thì 10 người vay ngân hàng hết cả chục, nhiều người còn mua chịu vật tư nông nghiệp đến mùa trả nên rất khó khăn.

Chúng tôi mong muốn được ngân hàng ngưng lãi vụ khoai và tiếp tục cho vay để có vốn làm vụ mới”- chú Tâm đề xuất.

Cần tính chuyện lâu dài

Ngày 28/5/2021, UBND huyện Bình Tân có công văn về việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang, qua đó, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay tiêu thụ khoai lang tím Nhật để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, sớm thu hoạch khoai lang chuẩn bị vụ mùa tới.

Những ngày qua, hàng chục chuyến xe của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp… đã đến vùng khoai chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang “không lợi nhuận”.

Là một trong số đó, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 7 tấn khoai trong mấy ngày qua, cũng như duy trì bán lẻ tại một số điểm cửa hàng Hoa Sao (Phường 2, TP Vĩnh Long), An Bình (Long Hồ) vừa hỗ trợ tiêu thụ vừa kết nối đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp và người dân nhiệt tình ủng hộ mua khoai với tinh thần chia sẻ khó khăn với người trồng khoai. Tương tự, Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc mỗi ngày hỗ trợ tiêu thụ 3 tấn khoai vừa bán lẻ vừa dùng làm nguyên liệu chế biến.

Hiện nay, Nhật Ngọc sản xuất hàng chục loại bánh từ khoai lang, trong đó, bánh phồng khoai lang rất được ưa chuộng.

Ngoài ra, theo anh Nguyễn Thanh Việt- Giám đốc công ty: “Chúng tôi đang nghiên cứu một số sản phẩm mới từ khoai lang, như bánh mì từ khoai lang chẳng hạn”, nhưng điều kiện nhà xưởng, thiết bị chưa đáp ứng được.

Tự nhận mình là “năng lực sản xuất còn hạn chế”, tiêu thụ lượng khoai nhỏ, nên anh cho rằng “vùng khoai Bình Tân cần có nhiều kết nối tiêu thụ với các đơn vị chế biến trong và ngoài tỉnh, tăng chế biến thì mới chủ động được thị trường”.

Cũng theo anh Việt, Vĩnh Long cần nghiên cứu, định hướng sâu giải pháp chế biến nhằm đa dạng chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu khoai lang.

Cho rằng việc “giải cứu” khoai lang khi sản lượng ứ đọng chỉ là giải pháp tình thế, theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long: “Cần tính lại cơ cấu sản phẩm xuất khẩu và thị trường trong nước theo từng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mà sản xuất giống khoai đáp ứng phù hợp.

Hơn nữa, cũng cần có sàn giao dịch thương mại thống nhất giá sàn cho nông sản nói chung, khoai lang nói riêng… công khai giá thành sản phẩm, để khi xảy ra tình trạng rớt giá có thể kích hoạt hệ thống hỗ trợ từ các đoàn thể, doanh nghiệp với giá sàn thống nhất để có thể hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn”.

Bí thư Huyện ủy Bình Tân Lê Minh Đức

Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19, thì cần nhìn nhận chất lượng khoai lang. Năm 2019, tôi cùng lãnh đạo tỉnh đã đi tìm đường ra cho củ khoai, nghiên cứu đường mòn lối mở, tìm đường đi chính ngạch, cũng đã có cảnh báo nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Vấn đề rải giống, rải vụ đã được khuyến cáo, nhưng vẫn chỉ tập trung vào khoai lang tím Nhật…

Trước mắt, các địa phương cần nỗ lực giúp nông dân tiêu thụ khoai lang thông qua các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, đoàn thể… Về lâu dài, phải tính tới sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, cũng như định hướng sản xuất đưa củ khoai vào xuất khẩu chính ngạch.

Bài, ảnh: AN HƯƠNG