Dịch bệnh viêm da nổi cục: Đừng để mất bò mới lo tiêm phòng

Kỳ cuối: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 02/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Tại Vĩnh Long, ngành chức năng đã chủ động biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC), tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi tự giác tiêm phòng cần thiết.

Ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về dịch bệnh đến người chăn nuôi.
Ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về dịch bệnh đến người chăn nuôi.

Tăng tuyên truyền, không chủ quan

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những cảnh báo, biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh VDNC.

Là địa phương có số đàn bò chiếm trên 20% tổng đàn bò của tỉnh, ngành chức năng huyện Trà Ôn đã tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi, mua bán về mức độ nguy hiểm của bệnh VDNC.

Trạm đã thông tin về bệnh VDNC lây lan nhanh, gây thiệt hại rất nặng. Đồng thời, hướng dẫn các hộ mua bò từ địa phương khác về phải lập sổ sách, báo cáo tiêm phòng,...

Nuôi bò được 10 năm, chú Mai Văn Hoàng (ấp Tích Phú, xã Tích Thiện- Trà Ôn), cho biết: “Tôi nuôi được 5 con, mua bò về nuôi vỗ béo rồi bán lại. Tôi có nghe các tỉnh miền ngoài có dịch bệnh VDNC.

Dù chưa thấy xuất hiện ở tỉnh mình, nhưng tôi rất lo. Do đó, tôi đã đăng ký với cán bộ thú y xã để tiêm ngừa bò cho chắc ăn. Nhờ quen nhiều mối lái nên tôi cũng cập nhật thông tin kịp thời, tránh mua bò nơi vùng có dịch bệnh”.

Cũng ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh VDNC, chú Nguyễn Văn Lý (ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ- Trà Ôn), chia sẻ: “Xóm ai cũng nuôi 1- 2 con bò, đây là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình.

Tiêm phòng chỉ tốn vài chục ngàn đồng nhưng mình yên tâm hơn. Nhiều người tiếc vài chục ngàn đồng đã phải trả giá, như từng xảy ra khi có dịch bệnh lở mồm long móng trước đây”.

Tuy nhiên, hộ chăn nuôi có ý thức phòng bệnh như chú Hoàng, chú Lý chưa nhiều. Tại một số địa phương, khi được hỏi về bệnh VDNC trên trâu, bò, không ít người nuôi cho hay “chỉ nghe loáng thoáng bệnh ở miền ngoài”, Vĩnh Long “chưa có nên chưa lo”!

Theo ông Lê Văn Năm- Trưởng Trạm Thú y huyện Trà Ôn, công tác tiêm phòng phòng chống bệnh VDNC tại Trà Ôn còn khá khiêm tốn.

Huyện có tổng đàn bò là 18.300 con với trên 5.800 hộ nuôi. Qua đợt dịch lở mồm long móng năm 2019 nhiều hộ đã nghỉ nuôi bò, những người tiếp tục nuôi đã ý thức chủ động liên hệ ngành thú y để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Anh Võ Minh Khánh- cán bộ thú y xã Tân Mỹ- cho biết: Toàn xã có khoảng 2.600 con bò của hơn 1.100 hộ nuôi, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ 2- 7 con/hộ.

Tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC chỉ có giá vài chục ngàn đồng/lần nhưng một số người nuôi còn “ngán tiền”, trong khi nếu không may đàn gia súc nhiễm bệnh thì mức độ thiệt hại là rất lớn.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản: Hiện đàn bò của tỉnh khoảng 85.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ.

Từ khi xuất hiện dịch tả heo Châu Phi thì nhiều hộ dân chuyển sang nuôi bò, số lượng đàn bò tăng lên, địa phương nuôi bò nhiều là Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình. Hiện nay bệnh VDNC đã xuất hiện nhiều ở các tỉnh- thành phía Bắc và miền Trung và nguy cơ xâm nhập vào phía Nam, ĐBSCL rất cao. Người chăn nuôi phải nhận dạng được mối nguy dịch bệnh này.

Làm gì để phòng ngừa bệnh?

Người dân cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh.
Người dân cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh.

Dù đây là bệnh lây lan nhanh, nhưng khác với bệnh dịch tả heo Châu Phi, VDNC đã có vắc xin phòng trị. Ông Lê Thanh Tùng cho rằng: “Phải phòng chống ngay từ bây giờ”.

Do đó, hạn chế chăn thả bò ngoài đồng để phòng tránh ruồi, muỗi, ve, mòng, đây là nguyên nhân chính gây bệnh; thường xuyên tắm vệ sinh để hạn chế côn trùng bám trên bò. Phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi, giăng mùng cho bò cả ngày lẫn đêm.

Và quan trọng, theo ông Tùng là “phải tiêm ngừa vắc xin”. Bên cạnh đó, khuyến cáo thương lái, người dân không nên mua bò từ những nơi có dịch, phải kiểm tra sức khỏe đàn bò đầy đủ và khi thấy các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng VDNC thì không nên mua, khi ra vào tỉnh phải thực hiện kiểm dịch đầy đủ. Trường hợp phát bệnh đầu tiên, theo Luật Thú y, phải tiêu hủy để tránh lây lan.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Để công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh VDNC đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, sở đã đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo, kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng chống kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, không chủ quan lơ là.

Các địa phương trong tỉnh cần phối hợp ngành thú y nhanh chóng thực hiện thống kê số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn; vận động người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin VDNC phòng bệnh cho đàn gia súc; giám sát kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng, tại khu vực nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Mặt khác, xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; phối hợp tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò, sản phẩm từ trâu bò.

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt, các sản phẩm trâu bò và vận chuyển trâu bò. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng tính chất nguy hiểm của bệnh VDNC, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp-PTNT khẳng định bệnh VDNC là bệnh xuất hiện trên trâu, bò, sẽ không lây bệnh cho người. Tuy nhiên, khuyến cáo người chăn nuôi không được giết mổ gia súc đã mắc bệnh để bán cho người tiêu dùng.

Tính đến 10/5/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,7 triệu liều vắc xin VDNC các loại; đã cung ứng và triển khai tiêm trên 2 triệu liều vắc xin VDNC tại 33 tỉnh- thành và 28 cơ sở chăn nuôi.


Bài, ảnh: THẢO LY