Lúa đồng bằng "thắng lợi kép" trong thế chủ động

Kỳ cuối: Cân nhắc tăng diện tích, liên kết là xu thế

Cập nhật, 15:58, Thứ Tư, 21/04/2021 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Từ kinh nghiệm tránh hạn- mặn, vụ lúa “thắng lợi trọn vẹn”

>> Kỳ 2: Lúa- "xác lập mặt bằng giá mới"

Biến đổi khí hậu mà cụ thể là hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo nguy cơ ảnh hưởng phía trước, cùng với đó là ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo theo giá vật tư nông nghiệp điển hình là phân bón tăng đột biến. Làm sao giữ vững an ninh lương thực đồng thời gia tăng giá trị xuất khẩu, sản xuất bền vững, an toàn đang là hàng loạt thách thức đặt ra trong những vụ lúa tiếp theo.

Cần chủ động sản xuất trong những vụ mùa tới.
Cần chủ động sản xuất trong những vụ mùa tới.

Chủ động sản xuất

Trên đà thuận lợi của vụ lúa Đông Xuân, nhiều bộ, ngành, địa phương các tỉnh- thành ĐBSCL tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng cho vụ lúa Hè Thu 2021, với kế hoạch gieo sạ hơn 1,52 triệu héc ta.

Theo dự báo của Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, mùa khô năm nay, toàn bộ các cửa sông ở ĐBSCL có độ mặn đã vượt so với mức lịch sử năm 2015- 2016 và sâu hơn từ 7- 10km. Dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn khoảng 2 tuần so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 5, tình hình nguồn nước ở khu vực còn khá khó khăn cho nên vụ Hè Thu sẽ gặp bất lợi.

Do đó, việc xuống giống vụ lúa này có thể thực hiện đồng loạt từ tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi nhưng cũng cần đề phòng thiếu nước đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn; những khu vực bị ảnh hưởng bởi mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống.

Để chủ động ứng phó với mùa khô, hạn mặn năm nay, ngày 18/1/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch phòng chống hạn mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2020- 2021.

Theo kịch bản đã chọn là trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019- 2020, thì ít nhất 6 huyện- thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long) bị ảnh hưởng, với diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn hơn 60.000ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước hơn 90.000ha…

Để chủ động, tỉnh dự kiến triển khai thực hiện 114 công trình, dự án thủy lợi, cấp nước sạch và hỗ trợ nước tưới cho vườn cây ăn trái, hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện huy động cấp nước và vật tư, thiết bị bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường ở vùng bị nhiễm mặn cao.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) Lê Thanh Tùng khuyến cáo nên chủ động xuống sớm hơn vùng ven biển để thu hoạch trước khi mặn xâm nhập, trong khi các tỉnh- thành vùng giữa như: Hậu Giang, Vĩnh Long cần chủ động tích nước.

Một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lúa gạo cho rằng, chủ trương giảm diện tích trồng lúa là hoàn toàn chính xác. Bởi an ninh lương thực chúng ta đảm bảo. Việc chuyển đổi đất không phù hợp trồng lúa hoặc có hiệu quả thấp thì chúng ta chuyển đổi. Ví dụ xâm nhập mặn thì chúng ta có thể chuyển đổi như một số mô hình đã thực hiện tôm- lúa. Chúng ta tăng chất lượng của lúa gạo lên, chứ không nên sản xuất ồ ạt theo tăng số lượng.

TS. Trần Hữu Hiệp- chuyên gia kinh tế- cũng cho rằng, sản xuất lúa còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước thượng nguồn, cùng với tác động do nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở và những bất cập nội vùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cũng đưa ra nhận định hạn, mặn có thể diễn biến phức tạp, nhất là đầu vụ Hè Thu, do đó, được chia làm 2 vùng sản xuất. Trong đó, vùng ngọt sẽ đẩy mạnh xuống giống sớm để kịp thời bố trí vụ Thu Đông; vùng ven biển đang chịu ảnh hưởng của hạn, mặn sẽ phải bảo đảm nguyên tắc hết mặn và thau chua, rửa mặn xong mới xuống giống.

Do đó, vùng này không vội xuống giống khi chưa an toàn. Đồng thời, bộ sẽ phối hợp các địa phương bám sát thời vụ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sử dụng nguồn nước hiệu quả, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Tăng cường liên kết

GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ- cho rằng, triền miên khó khăn của nông dân là đầu ra cho nông sản, không thể nào giải cứu hoài. Tới đây, trong quy hoạch lại của ĐBSCL thì chúng ta sẽ định hướng từng vùng, vùng nào trồng cây gì,… từ đó, kết hợp lại nông dân với nông dân thành tổ, hợp tác, có đầu ra, để chuỗi đó sẽ thay thế.

Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ)- cho rằng cần xem lại quy trình canh tác sản xuất ngành hàng lúa gạo hiện nay, bởi chưa bền vững. Công ty là người tiên phong thực hiện liên kết, trong khi cả vùng ĐBSCL là chưa được 10%.

Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp cho biết, muốn không bị động nữa thì chất lượng lúa gạo phải nâng lên. Trong đó, vấn đề giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, thương hiệu, đảm bảo sức khỏe, giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Tại Vĩnh Long, đã chứng minh điều này trong vụ Đông Xuân vừa qua, khi nông dân tự nguyện đăng ký thực hiện liên kết với Công ty Lộc Trời hơn 870ha, với giá lúa chốt bán dao động từ 6.650- 6.920 đ/kg. Từ đó, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh đánh giá, việc liên kết tiêu thụ bước đầu mang lại hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, thực hành các tổ hợp tác tiến tới xây dựng hợp tác xã, hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nông thôn mới. “Liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi hoàn toàn phù hợp. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng trong thời gian tới”- ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định.

TS. Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết, hiện đã phối hợp với trung tâm khuyến nông các tỉnh ở ĐBSCL hợp tác với các tập đoàn lớn để thực hiện ở các mô hình canh tác thông minh, giảm chi phí vật tư đầu vào, với mong muốn sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm hơn về tính an toàn, hiệu quả, giảm chi chí sản xuất và giảm tải độc hại với môi trường.

Bên cạnh, hiện một loạt doanh nghiệp đã áp dụng việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng- “cái này thế giới đang cần, Việt Nam chúng ta cũng cần”. TS. Lê Quốc Thanh đề nghị, trong thời gian tới, doanh nghiệp và địa phương cần nhân rộng các mô hình này ở ĐBSCL để ngành hàng lúa gạo an toàn, bền vững.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây và dự báo mức giá này sẽ ổn định trong thời gian tới, xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi hơn bao giờ hết. Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- cho biết, gạo xuất khẩu có giá cao vì chất lượng gạo của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc, Việt Nam đã và đang nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu gạo có phẩm cấp cao, bỏ dần xuất khẩu gạo chất lượng trung bình.

Bài, ảnh: MINH ANH