Nuôi ốc bươu thu lợi nhuận "khủng"

Cập nhật, 16:02, Thứ Tư, 30/09/2020 (GMT+7)

 

Anh Tính đang nuôi khoảng 1 triệu con ốc bươu đen giống và thương phẩm với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Anh Tính đang nuôi khoảng 1 triệu con ốc bươu đen giống và thương phẩm với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng.

Nuôi ốc bươu đen giống và thương phẩm đang là mô hình kiếm ra tiền của nhiều bà con nông dân tại các tỉnh ĐBSCL thời gian gần đây. Tại Vĩnh Long, anh Hồ Văn Tính (xã An Bình- Long Hồ) chọn nuôi ốc bươu đen trên diện tích khá lớn và đem về nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng/ năm.

Ăn, ngủ cùng…ốc

Trước diễn biến phức tạp của thực trạng xâm nhập mặn, ốc bươu đen sống trong tự nhiên trở nên khang hiếm dần. Trong khi đó, nhu cầu tìm mua ốc bươu đen để phục vụ cho các hàng quán hay nhà hàng lại rất nhiều.

Hiểu được vấn đề đó, hơn 1 năm nay anh Hồ Văn Tính đã mạnh dạng đầu tư xây 10 bể nuôi ốc ở phía sau nhà, mỗi bể có diện tích 20m2.

“ Ban đầu tôi nuôi ốc thương phẩm, lái đến tận nhà mua mà không đủ bán. Thấy mê quá tôi quyết định dành ra 2 bè dưới sông để nuôi ốc thương phẩm. Song song đó, tôi tiến hành nuôi ốc bố mẹ để sản sinh ra con giống nhằm chủ động được nguồn nuôi cũng như bán ra thị trường”- anh Tính phấn khởi nói.

Hiện Trại ốc An Bình của anh Tính đang nuôi khoảng 1 triệu con ốc giống và ốc thương phẩm, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng.

Hiện giá bán ốc giống 300- 350 đ/con, ốc thương phẩm 60.000- 70.000 đ/kg, anh thu về khoảng lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ năm.

“ Ốc thương phẩm thì mình bán cho lái gần nhà mà giờ không còn đủ để bán. Riêng ốc giống bán đi khắp các tỉnh- thành, họ xem trên trang facebook của tôi thấy tin tưởng nên đặt rất nhiều, có khách đặt vài chục ngàn con là chuyện bình thường. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để làm sao họ nuôi đạt tỷ lệ cao nhất có thể”- anh Tính vừa chỉ tay về phía tấm bảng ghi đầy tên, cùng số điện thoại khách có đơn đặt hàng và nói.

Với những khách hàng ở gần khu vực tỉnh Vĩnh Long, anh Tính luôn mong muốn khách đến “tận mắt xem cách tôi nuôi ra sao để có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế dễ hơn”, còn với những khách ở xa anh tận tình hướng dẫn bằng cách gọi video call.

“Trước khi nuôi ốc tôi cũng mất cả tháng trời để tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính, tập quán sinh sống của giống ốc này. Có hiểu thì mới nuôi thành công được. Từ ngày nuôi ốc tôi dường như ăn ngủ cùng nó. Bởi ốc bươu đen có hai 2 loại bệnh thường gặp nhất là mòn đích, sưng vòi nên mình phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện mà xử lý bệnh cùng các con côn trùng gây hại”- anh Tính bộc bạch.

Loài “ăn bẩn, sống sạch”

Nguồn thức ăn của ốc hoàn toàn có sẵn trong tự nhiên như: bèo cám và dưỡng chất được bổ sung vào nước.

Theo anh Tính ốc là loài “ăn bẩn, sống sạch” nên khi nuôi ốc bươu đen anh rất cẩn trọng trong khâu chăm sóc, luôn quan sát, theo dõi tiến độ phát triển của chúng từng ngày.  Đặc biệt là tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường, nhiệt độ.

Khi thời tiết nắng nóng, nếu nuôi trong bể, phải dùng lưới hoặc tôn che cách mặt nước nơi ốc ở từ 1,5- 2m. Thay nước khi độ PH lớn hơn 8, tổng vệ sinh bể định kỳ.

Nhờ kỹ thuật nuôi tốt, ốc bươu đen sinh sản ổn định đã giúp anh Tính chủ động nguồn nuôi và cung ứng cho thị trường.
Nhờ kỹ thuật nuôi tốt, ốc bươu đen sinh sản ổn định đã giúp anh Tính chủ động nguồn nuôi và cung ứng cho thị trường.

Khi nuôi ở ao phải loại bỏ hết những con ốc bươu vàng để tránh việc chúng giành thức ăn với ốc bươu đen. Đồng thời, duy trì mực nước sâu hơn 1m và thả bèo vừa làm nguồn thức ăn vừa che nắng. Tuyệt đối không được để thuốc bảo vệ thực vật, xà phòng, nước thải sinh hoạt... chảy vào ao nuôi. Môi trường nước ổn định, cảnh quan sống thông thoáng sẽ giúp ốc lớn nhanh và không bị dịch bệnh.

“Ốc bươu đen sinh sản quanh năm, nhưng nếu để nó sinh sản tự nhiên tỷ lệ nở con chỉ khoảng 50-60%. Vì vậy trứng ốc sẽ được tôi gom lại hàng ngày để ấp. Cách thức ấp cũng khá đơn giản, chỉ cần căng lưới thưa trên miệng bể, để trứng lên lưới rồi phủ tấm vải dầy, không để ánh sáng, nắng soi vào làm trứng bị hư. Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước”- anh Tính chia sẻ.

Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 95%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 20- 30 ngày có thể xuất bán.

Với ốc thương phẩm cần thời gian sinh trưởng 4 tháng, đạt 25 con/kg. Nuôi thêm 2 tháng nữa, ốc bắt đầu sinh sản.

“Hiện nhu cầu mua ốc giống và thương phẩm rất nhiều nên nhiều đơn hàng của khách phải xếp hàng chờ”- anh Tính phấn khởi nói.
“Hiện nhu cầu mua ốc giống và thương phẩm rất nhiều nên nhiều đơn hàng của khách phải xếp hàng chờ”- anh Tính phấn khởi nói.

Bằng sự quyết đoán và chịu khó, anh Tính hiện đang rất thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước với nhiều bà con nông dân, cũng như các bạn trẻ muốn khởi nghiệp tại địa phương.

Anh Đỗ Văn Chí Phước- Bí thư Xã Đoàn An Bình cho biết: Hiện đã có 15 đoàn viên của Xã Đoàn An Bình triển khai học mô hình nuôi ốc từ anh Tính. Ở anh Tính đoàn viên không chỉ học được kỹ thuật nuôi ốc mà còn học ở anh ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- NGUYÊN KHÁNH

Các tin khác: