Nhà nông tìm hiểu

Biện pháp kỹ thuật canh tác cây ăn trái ứng phó điều kiện hạn, mặn

Cập nhật, 08:46, Thứ Ba, 11/02/2020 (GMT+7)

Bà con trồng cây ăn trái ở cù lao rất khó khăn trong việc ứng phó với xâm nhập mặn, Bạn Nhà nông có thể hướng dẫn cách bảo vệ vườn cây ăn trái hiệu quả?

Võ Thanh Lâm

(Quới Thiện- Vũng Liêm)

Anh Lâm mến! Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cây ăn trái trong đợt hạn, mặn mùa khô 2019- 2020, Bạn Nhà nông xin giới thiệu để anh tham khảo.

Theo đó, anh cần củng cố hệ thống đê bao của vườn cây cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn. Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây hoặc dự trữ trong những túi ny lông dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn. Hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn từ 1‰ trở lên. Đối với nhóm cây mẫn cảm với mặn như: chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt thì không nên tưới nước khi nồng độ mặn trên 0,5‰.

Để giảm nước bốc hơi và nhu cầu cần nước của cây anh nên tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả, không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Ủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,… Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+.

Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Không nên bón phân có chứa Natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây. Anh có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã. Các ion này có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển Na+, Cl- từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn. Phun các chế phẩm có Brassinosteroide hoặc Proline để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn. Sử dụng các gốc ghép chống chịu hạn, mặn cho cây có múi. Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn.

BẠN NHÀ NÔNG

 

Các tin khác: