Cây cam sành sai oằn trên đất lúa

Cập nhật, 15:30, Thứ Ba, 28/01/2020 (GMT+7)
Huyện Trà Ôn nằm bên dòng sông Hậu. Bao quanh là cơ man kinh rạch phù sa và nhất là khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vườn. Trong hơn 12.223ha vườn cây ăn trái toàn huyện, cây cam sành đã chiếm hơn 1/3 với trên 4.356ha và phần lớn diện tích cho giá trị kinh tế cao.
Toàn cảnh một vườn cam sành lên từ đất ruộng ở xã Tân Mỹ.
Toàn cảnh một vườn cam sành lên từ đất ruộng ở xã Tân Mỹ.

Bạt ngàn những ruộng... cam

Xã Thới Hòa có 8 ấp, trong đó có 2 ấp đất nông nghiệp toàn trồng cam sành là Tường Thịnh, Ninh Thuận. Các ấp kia cam sành cũng... cắm rễ gần hết. Cán bộ nông nghiệp UBND xã Thới Hòa Trần Thanh Diễm cho biết vậy, khi cùng chúng tôi đi xuống ấp Tường Thịnh.

Gặp anh Trần Công Quốc, nhà có 5 công cam sành mới xuất bán tháng rồi, “đợt đó thu hoạch 60 tấn cam, bán giá 8.000 đ/kg”- anh Quốc nói “cũng đỡ”. Cũng đỡ đây là khoản thu 480 triệu đồng từ lứa cam đó, so với lứa bán khác và so với nhà vườn xung quanh có đợt bán được giá 10.000 đ/kg hoặc hơn.

Khi uống cà phê nhà anh Ba Năng với cán bộ nông nghiệp, anh Quốc, anh Bùi Thanh Nhàn đều ở cùng ấp, chúng tôi nghe miết chuyện về cây cam sành: giống, phân thuốc, nước nôi, công cán, giá bán, lợi nhuận... Và được “chốt” lại: Trồng cam sành mà chủ yếu là cam sành trên đất ruộng nơi đây cực nhưng lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa.

Anh Ba Năng nhà có 3 công cam, tháng rồi lái cắt được 46,5 tấn và mua giá 8.500 đ/kg. Đợt trước đó, anh thu hoạch 44,6 tấn và giá bán tương đương. Nhẩm tính giá trị kinh tế của khoảng 0,3ha này, anh Năng nắm chắc 90 tấn cam, trừ các chi phí, công cán thì còn khoản lời... “cũng đỡ” như cách nói của anh Quốc!

Anh Quốc bên ruộng cam sành và căn nhà đang xây của anh Nhàn- những nông dân “rặt” cam sành.
Anh Quốc bên ruộng cam sành và căn nhà đang xây của anh Nhàn- những nông dân “rặt” cam sành.

Xã Thới Hòa cùng các xã Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tân Mỹ... có diện tích cam sành trên đất ruộng chiếm đa số trong 3.142ha cam sành thâm canh đất lúa ở huyện Trà Ôn. Diện tích cây có múi này năm sau lại tăng hơn năm trước. Các thống kê của huyện cho thấy, với giá cả hiện tại, lợi nhuận bình quân vườn cam sành từ 140-180 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Thới Hòa Lưu Chí Nghĩa cho biết trong số vườn cây ăn trái hơn 1.444ha của xã, cam sành có hơn 1.064ha; trong đó đang cho trái hơn 727ha và lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta tùy mùa vụ và giá cả thị trường.

Qua Tân Mỹ, Chủ tịch UBND xã- Trần Văn Sơn cũng cho biết, vườn cam sành hiện chiếm nhiều nhất trong diện tích vườn cây ăn trái toàn xã với 164/716ha, trong đó hơn 115ha đang cho trái. Với năng suất bình quân 120 tấn/ha và giá bán từ 8.000-12.000 đ/kg tùy vào thời điểm, bà con lợi nhuận 150-180 triệu đồng/ha.

Đóng góp chung vào giá trị nông nghiệp

Tân Mỹ là xã còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, đã đóng góp lớn vào thu nhập chung của người dân. Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, xã Tân Mỹ ước thu nhập bình quân đầu người hết năm nay là 32 triệu đồng/năm.

Với Thới Hòa, báo cáo kinh tế- xã hội 2019 của xã nông thôn mới này cho thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt tới 50,52 triệu đồng/năm, đạt 109,82% so chỉ tiêu năm nay là 46 triệu đồng- là một trong các đóng góp đến từ phát triển kinh tế vườn đồng thời với làm kinh tế phi nông nghiệp...

Ở Thới Hòa, hộ nào trồng cam sành thu hoạch “cũng đỡ” cỡ 12 tấn/công, nhà nào đỡ hơn là đạt xấp xỉ 15 tấn/công.
Ở Thới Hòa, hộ nào trồng cam sành thu hoạch “cũng đỡ” cỡ 12 tấn/công, nhà nào đỡ hơn là đạt xấp xỉ 15 tấn/công.

Đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- nói về cây cam sành ở địa phương: Cam bây giờ rất phát triển và từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung trên đất lúa, có thể kể các xã Thới Hòa, Hựu Thành và nhiều xã khác. Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy khảo sát cuối năm 2019 tại địa phương về thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy cũng đánh giá rất cao mô hình này.

Ông cho biết thêm: Thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Huyện ủy 2019, giá trị nông- lâm nghiệp- thủy sản tăng 2,79% và đóng góp lớn trong đó là từ kinh tế nông nghiệp, cụ thể là kinh tế vườn.

5- 7 hay 10 năm trước, người dân trong tỉnh đã nghe quen với những vườn, ruộng cam sành tại các xã ở Trà Ôn. Rồi cũng nghe nhiều nhà thu hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng với các vụ thu hoạch cam sành. Bây giờ cũng vậy, dù giá cam sành xuống thấp vài năm qua và khâu liên kết tiêu thụ còn nhiều khó khăn... nhưng một điều dễ nhận thấy là trồng cam sành thu nhập cao, lợi nhuận lớn.

Chỉ căn nhà của anh Nhàn đang xây mới để đón tết, anh Quốc nói về bao vất vả và cả thành quả từ cây cam sành: “Mười nhà xây mới ở đây giờ hết chín nhà là từ cam sành mà ra”. Cạnh con kinh nội đồng dẫn và thoát nước cho các ruộng cam, anh Quốc, anh Nhàn, anh Ba Năng, cán bộ nông nghiệp Thanh Diễm vừa uống trà vừa say sưa nói về giống má, thuê đất, kỹ thuật trồng cam, giá cả trái cam sành ở địa bàn, thậm chí lan sang các vùng cam lân cận...

Cách nông dân cần cù, chăm bẵm và thiệt thà, khẳng khái như vậy cũng giống như cây cam sành cứ tự nhiên mà bén rễ, mướt xanh và oằn trái trên đất này đã bao bận nắng mưa qua.

Huyện ủy Trà Ôn cho biết kinh tế nông nghiệp- nông thôn phát triển tích cực. Kết quả thực hiện Nghị quyết Huyện ủy năm 2019, một trong các chỉ tiêu chủ yếu là giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,79%; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng: trồng trọt chiếm 57,35%, chăn nuôi 34,41%, dịch vụ nông nghiệp 8,24%.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Các tin khác: