Để nông nghiệp công nghệ cao "nở nồi"

Cập nhật, 12:56, Thứ Ba, 22/01/2019 (GMT+7)

 

Nhiều nông dân ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo hướng sạch, an toàn, chất lượng.
Nhiều nông dân ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo hướng sạch, an toàn, chất lượng.

Chọn nông nghiệp công nghệ cao làm hướng đi chính, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân đã đạt được nhiều “trái ngọt”, bởi không chỉ đem lại nguồn nông sản sạch, nâng cao giá trị gia tăng, mà ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh trạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhiều mô hình hay, mang tính đột phá

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã được Chính phủ, DN, người dân quan tâm. Hiện có 33 tỉnh- thành có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.000ha, với các hình thức quy mô sản phẩm đa dạng.

Theo đó, tại nhiều địa phương, các DN, lẫn người dân chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính để đầu tư và đã đạt được thành công rõ rệt. Hướng đi này đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được cải thiện nhiều.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, các mô hình nông nghiệp, sản xuất theo hướng GAP và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đang phát triển khá mạnh. Trong đó có nhiều mô hình mang tính đột phá.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít cho hay: Do việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật được đẩy mạnh nên hầu hết các mô hình được đầu tư đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Hiện, huyện có một số mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư công nghệ cao được đánh giá khả quan, có khả năng nhân rộng cho người dân.

Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (ấp Cái Cạn 2, xã Mỹ Phước) cũng đã đầu tư sản xuất, kinh doanh các loại nấm, phôi nấm và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, không chỉ tạo ra nguồn nấm sạch, an toàn, công ty còn chuyển giao, hỗ trợ công nghệ cho nông dân để có thể trồng tại nhà và thu mua lại với giá ổn định, có lợi cho nông dân.

Hay mô hình trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ của chị Huỳnh Thị Long Mỹ (ấp Tân An B, xã Chánh An- Mang Thít) cũng đã thu nhiều “quả ngọt”. Chị Mỹ chia sẻ: Làm nông nghiệp hiện nay phải đổi mới, phải hiện đại hơn mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Với diện tích ban đầu 300m2, chi phí đầu tư khá cao nhưng tôi nghĩ đây là hướng đi tất yếu nên quyết định theo đến cùng. Mới đầu nhiều người cũng thấy lạ nhưng sau khi cho nhiều bà con trong xóm tham quan học hỏi nhiều người rất thích mô hình này.

“Nếu chỉ sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi nhuận mang lại cũng không cao. Do đó, khi đầu tư theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vừa giúp giảm chi phí lại nâng cao giá trị cho nông sản”- chị Mỹ nói thêm.

Còn nhiều “nút thắt”

Theo nhiều DN, nông dân, hiện nay nhu cầu của thị trường ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, do đó, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, khi sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn thì vấn đề thị trường, quy hoạch cần quan tâm hơn, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, “được mùa rớt giá”.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Không chỉ vậy, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung- cầu còn bất cập. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh thời gian qua mới chỉ áp dụng thử nghiệm trên quy mô nông hộ, chưa thể làm đại trà quy mô lớn. Đó là chưa kể, ý thức của người dân, công nghệ và cách tiếp thị công nghệ vẫn là những rào cản chính khiến nền nông nghiệp “chưa sạch” như mong đợi.

Nguyên nhân là do sản xuất còn manh mún nên khó đưa khoa học- kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Trình độ và khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế cũng như khả năng chuyển giao của cán bộ kỹ thuật trong ngành còn thấp.

Bên cạnh đó, theo chị Mỹ, một trong những cái khó là kinh phí đầu tư công nghệ cao khá lớn, vượt khả năng của nông dân trong khi thiếu DN có tiềm lực về chuyển giao khoa học- công nghệ.

Ngoài ra, việc chưa hình thành được mối liên kết sản xuất- tiêu thụ, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, giá cả chưa có sự khác biệt với các sản phẩm thông thường nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư sản xuất.

Để giải quyết những nút thắt này, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đề nghị ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, các ngành cần phối hợp cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút đầu tư công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Toàn ngành cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cùng với thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, cần phát triển mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính…

 

Các tin khác: