Chăm sóc phục hồi vườn cây ăn trái sau thời gian bị ngập lũ như thế nào?

Cập nhật, 12:28, Thứ Ba, 07/11/2017 (GMT+7)

 

Khảo sát tại một số vườn cam sành bị ngập nước.
Khảo sát tại một số vườn cam sành bị ngập nước.

Sau những đợt triều cường đã và đang xảy ra có nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nước do bờ bao thấp hoặc do bị vỡ đập tràn nước vào vườn. Vì vậy, cần có những biện pháp chăm sóc và đối phó thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại cho các vườn cây ăn trái.

Trong mùa mưa lũ, hầu hết các yếu tố về môi trường đều tác động gây bất lợi cho các vườn cây ăn trái.

Đặc biệt là những vườn cây được nông dân xử lý ra hoa mùa nghịch trong mùa mưa thì càng bị chịu tác động bởi thời tiết mưa lũ nhiều hơn.

Tùy theo điều kiện về đất đai, loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng mà các vườn cây ăn trái có thể bị ảnh hưởng và thiệt hại với mức độ khác nhau do ngập lũ.

Ngoài ra, trong mùa mưa, sức khỏe của cây bị ảnh hưởng nhiều nguyên nhân như cây cần ánh sáng quang hợp để tổng hợp chất đường bột nhằm tạo ra năng lượng để nuôi cây nhưng do mưa nhiều nên cây quang hợp ít hơn dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bị hạn chế. Mặt khác, khi thiếu ánh sáng, mưa nhiều ẩm độ không khí cao thì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và tấn công gây hại.

Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị lèn chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Các vườn cây ăn trái chẳng may bị ngập nước thì bề mặt đất bị phủ bởi một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất. 

Vì vậy, các khí khổng trong đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp. Khi đất thiếu oxy, hệ sinh vật yếm khí sẽ hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu oxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại như khí cacbonic và các axit hữu cơ làm cho rễ cây bị thối.

Đồng thời rễ cây cũng rất dễ bị các loại nấm bệnh như Fusarium, Phytophthora,… tấn công ngay sau khi bị ngập lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong cây gây ra ngộ độc làm cho lá bị vàng nhanh và rụng.

Thanh long, bưởi, nhãn cũng rất mẩn cảm với tình trạng bị ngập do nước lũ.

Thanh long, bưởi, nhãn cũng rất mẩn cảm với tình trạng bị ngập do nước lũ.

 

Để tránh bị thiệt hại do vườn bị ngập lũ, cần chú ý áp dụng các biện pháp sau đây:

Khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao hoặc bị nước tràn vào vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp, không cần lội vào vườn đắp chặn hay ven ví nước lại.

Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn cây ăn trái, vì làm như vậy cây càng dễ bị thiếu oxy và chết nhanh hơn. Dòng nước chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy và giúp rễ cây dễ dàng hô hấp hơn. Nếu cây đang ra hoa, trái hay tượt non thì nên tỉa hoặc cắt bỏ hết tượt non và đợt hoa, trái này.

Nên cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

Có thể xử lý giúp cây ngừng ra tượt non bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali + Urê với tỷ lệ (Phosphat Kali: Urê là 4:5) ở nồng độ 1- 1,5% hoặc hỗn hợp phân DAP và KCl với tỷ lệ (DAP: KCl là 2:1) ở nồng độ 1- 2%, nên xử lý vào chiều mát nếu cộng thêm chất bám dính thì càng tốt vì sẽ hạn chế phần nào lượng phân bị rửa trôi do mưa.

Phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng hoặc có thể phun dung dịch có chứa Cytokynin nhằm ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylen và sự oxit hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu khi bị ngập úng.

Sau khi nước rút cần xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực thủy cấp trong vườn. Dùng cào răng xới nhẹ mặt đất bằng để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng cho rễ dễ tiếp nhận oxy. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất (nên che xa gốc cây khoảng 20cm để hạn chế phần nào nấm bệnh tấn công vào gốc cây).

Bón phân cân đối đặc biệt là kali, không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

Không nên bón nhiều phân NPK, nhất là phân chứa nhiều đạm, mà nên bón phân có chứa nhiều lân và kali như bón phân DAP và Clorua Kali với tỷ lệ (DAP: Clorua Kali là 2:1) liều lượng 0,2- 1kg hỗn hợp/cây tùy thuộc vào tuổi và loại cây nên kết hợp với phân chuồng nhằm kích thích cho vi sinh vật hoạt động tốt, rễ phát triển nhanh, cây mau phục hồi.

Có thể phun các loại phân qua lá có chứa N, P, K đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic,… nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh, kết hợp với việc phun các loại thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại ở vùng đất và rễ.

Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm kích thích ra hoa, ra đọt, trong giai đoạn này. Dùng dụng cụ tỉa cành tỉa bớt hoa, trái hoặc tỉa bỏ toàn bộ (thu hoạch trái sớm), tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cây.

Đồng thời tỉa bỏ lá non, cành khô chết, tỉa bớt những cành quá xum xuê. Quét vôi vùng thân gốc từ mặt đất lên 0,5- 2m (tùy loại và chiều cao cây). Nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hay các loại thuốc đặc trị nấm, để tưới vùng gốc rễ, ngăn chặn bệnh hại rễ.

Giai đoạn này, cần chú ý quản lý cỏ hợp lý vì cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

Ngoài ra, sau mùa mưa lũ cũng nên bổ sung phân vi lượng cho vườn cây ăn trái bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng, đồng thời chú ý phòng trừ các loại bệnh như bệnh loét, bệnh xì mủ gốc hoặc bệnh vàng lá thối rễ sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt.

  • Bài, ảnh: ThS. NGUYỄN VĂN LIÊM

(Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long)