"Ăn chắc, mặc bền" nhờ "lấy ngắn nuôi dài"

Cập nhật, 04:58, Thứ Năm, 26/10/2017 (GMT+7)

Nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác là mong muốn của nhiều nông dân. Nhờ cần cù, chí thú làm ăn cộng thêm biết chuyển đổi cây trồng phù hợp và “lấy ngắn nuôi dài” đã giúp ông Ngô Văn Hai (Khóm 4, Phường 3- TP Vĩnh Long) vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ hơn 2 công đất cha mẹ cho làm kế sinh nhai, đến nay, đã “nở nồi” gần chục công đất với lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng/năm nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Nhờ trồng ngò gai xen canh trong vườn bưởi giúp ông Ngô Văn Hai (phải) nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Nhờ trồng ngò gai xen canh trong vườn bưởi giúp ông Ngô Văn Hai (phải) nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Không để đất trống

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Minh Tâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường 3- chạy len lỏi trên đường đan nhỏ, gồ ghề xuống cấp để vào rẫy của ông Hai.

Trưa nắng chang, vừa lui cui cắt ngò gai, quệt mồ hôi trên trán, ông Hai cười chất phác: “Trồng rẫy cực khâu chăm sóc nhưng ngày nào cũng mần, riết rồi quen. Tui mới thu hoạch xong dưa leo, bán cũng ngon ơ. Lát lái đến cân ngò gai nên tui tranh thủ cắt”.

Nhìn những luống ngò xanh mướt nằm dưới gốc bưởi, ông Hai cho biết: “Giờ lớn tuổi rồi, tui trồng trước 2 công bưởi da xanh, mới trồng non tháng đó. Lúc cây còn nhỏ, tui trồng thêm ngò gai để kiếm thêm thu nhập”.

Từ ngày gieo hạt đến thu hoạch lứa ngò đầu tiên phải mất 4 tháng, từ 300- 400 kg/công, giá bán khoảng 10.000 đ/kg. Sau đó cứ 20- 30 ngày là thu hoạch lứa tiếp theo, sau 6 tháng thì phá bỏ gốc.

Với gần 6 công rẫy, mỗi năm ông Hai trồng 4 vụ màu trở lên. Thu hoạch hẹ vài đợt đầu thì năng suất giảm, ông Hai liền trồng xen xà lách trong hẹ vậy mà cũng bỏ túi rủng rỉnh thêm mấy chục triệu đồng/năm.

“Điều thú vị là trên đất của ông Hai, khi nhổ xà lách thì cải đất tự mọc lên nên có bán tiếp, trong khi thông thường thì chỉ có lên cỏ”- ông Nguyễn Minh Tâm cười cho biết.

Bên cạnh, ông Hai còn cải tạo 500m2 đất đào ao nuôi cá tai tượng, cá rô phi và tận dụng phụ phẩm từ rau cải làm thức ăn, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập và cải thiện môi trường.

Ngoài ra, ông còn trồng bưởi da xanh, bưởi long và nuôi hơn 400 gà thả vườn.

Kinh nghiệm “một bụng”, sẵn sàng sẻ chia

Nhìn cơ ngơi khang trang, các con được học hành và có việc làm ổn định, ai cũng khen vợ chồng ông Hai cần cù, chăm chỉ. Để có được thành quả này là cả quá trình lao động miệt mài.

Lúc mới ra riêng, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, trồng lúa không đủ lo cho các con ăn học.

Qua tham dự các lớp tập huấn và tham quan, học hỏi các mô hình trồng màu trên đất ruộng, ông Hai đã mạnh dạn cải tạo 2 công ruộng lên liếp trồng rau.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi nên rẫy màu của ông Hai phát triển tươi tốt. Nhờ vợ cũng buôn bán rau ngoài chợ, nên ông Hai luôn đoán được nhu cầu thị trường, thường bán được giá cao, đến nỗi ông Nguyễn Minh Tâm khen:

Ông Hai trồng hẹ, hẹ có giá; trồng ngò, ngò có giá; trồng cải cũng thế. Với “một bụng” kinh nghiệm, ông Hai luôn nhiệt tình chia sẻ cho nhiều nông dân.

Khi nghe hỏi vui là có chừa lại bí quyết riêng cho mình, ông Hai cười tươi: “Anh em hỏi thì mình chỉ, làm nông cực khổ lắm, có gì phải giấu? Mình làm ăn được thì phải giúp nhau cùng làm giàu chứ!”

Ông Hai đã lựa chọn cho mình hướng đi là luân canh và xen canh, không trồng đồng loạt một loại rau trên toàn bộ đất.

Ngoài ra, để tránh tình trạng “dội chợ”, trước khi quyết định trồng loại rau nào, ông đều tìm hiểu và dự báo thị trường rồi mới gieo giống. Với cách làm này, những loại rau ông Hai trồng luôn được tiêu thụ dễ dàng với giá hợp lý.

Song, vấn đề mà ông Hai còn trăn trở đó là: “Trồng rẫy cũng... hên xui, phụ thuộc vào thị trường và thương lái cũng hay ép giá. Đường vô xứ rẫy Khóm 4 còn khó đi, nên thương lái cũng thường mua rẻ hơn 1.000 đ/kg so với các vùng trồng màu lân cận.

Ông Hai còn thuê thêm đất để trồng bông cải bán tết. Mô hình trồng màu của ông đã tạo việc làm cho 26 lượt lao động nông nhàn. Ông còn nhiệt tình hỗ trợ 14 hộ khó khăn về vốn; đóng góp tiền của, ngày công lao động để cùng Nhà nước nâng cấp, sửa chữa đường giao thông.

Bài, ảnh: QUYÊN- TƯƠI