"Phương thuốc" nào để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu?

Cập nhật, 13:12, Thứ Tư, 31/05/2017 (GMT+7)

Nước ngọt vốn là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với cuộc sống con người. Việt Nam vốn là quốc gia thiếu nước ngọt, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng ngày càng gay gắt nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ngày càng trầm trọng.

Hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử nửa đầu năm 2016 là một minh chứng cụ thể về điều này.

Vì vậy, việc sử dụng nguồn nước ngọt hợp lý, tiết kiệm phục vụ cuộc sống, sản xuất- đặc biệt đối với trồng trọt đang là thực tế đòi hỏi chúng ta phải sớm giải quyết.

Tiết kiệm, sử dụng nước hợp lý đối với cây lúa theo phương pháp “nông, lộ, phơi” sẽ giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh chụp tại tỉnh An Giang
Tiết kiệm, sử dụng nước hợp lý đối với cây lúa theo phương pháp “nông, lộ, phơi” sẽ giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh chụp tại tỉnh An Giang

Lãng phí nước làm gia tăng chi phí sản xuất

Người tiêu dùng chúng ta thật khó có thể tưởng tượng nổi để có một ly cà phê, nông dân phải sử dụng tới 140 lít nước để sản xuất ra nó.

Đây không phải là câu chuyện bông đùa mà là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới được Ths. Nguyễn Xuân Kiều- Phó Giám đốc Trung tâm Thủy lợi miền núi Phía Bắc (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa qua.

Một kết quả nghiên cứu nữa do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đưa ra, để trồng được mỗi ký cà phê thành phẩm, hiện Nhà nước bù lỗ cho tưới nước 1.000 đ/kg, còn nông dân phải bỏ chi phí thêm 3.000 đ/kg.

Như vậy, để sản xuất 1kg cà phê, hiện chúng ta đang phải chi phí thêm tới 4.000đ tiền nước tưới. Rõ ràng chi phí về tưới nước cho cây cà phê của Việt Nam hiện nay hẳn là con số không nhỏ, góp phần làm tăng giá thành sản xuất cà phê. Và đương nhiên, lợi nhuận của người trồng cà phê cũng vì thế bị ảnh hưởng.

Trong điều kiện BĐKH khiến nguồn nước ngọt ngày càng thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và đối với sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thị trường thì ngày càng đòi hỏi giá thành sản phẩm nông sản phải giảm để tăng tính cạnh tranh.

Vì thế, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp nhằm giúp nền nông nghiệp Việt Nam thích ứng với BĐKH- Ths. Nguyễn Xuân Kiều khẳng định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia về nông nghiệp, việc sử dụng lãng phí nước không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên nước quý giá đang ngày càng khan hiếm, cạn kiệt.

Việc sử dụng lãng phí nước còn làm gia tăng chi phí sản xuất nông sản, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng do thừa nước.

Đồng thời sử dụng nước lãng phí trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lúa làm gia tăng lượng khí thải nhà kính.

Tưới tiết kiệm nước- nhất cử, nhiều lợi

Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đối với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH là đòi hỏi cũng là xu thế tất yếu nhằm gia tăng giá trị nông sản.

Theo Ths. Nguyễn Xuân Kiều, việc tưới không khoa học là một trong những nguyên nhân khiến cây trồng bị chết (chết úng). Ví dụ về cây hồ tiêu khi tưới quá nhiều nước thì cây sẽ bị chết.

Ths. Nguyễn Xuân Kiều nhận xét: Nông dân chúng ta đang rất lãng phí nước để tưới cho cây cà phê, vì họ cho rằng càng tưới nhiều, nhất là thời điểm cây chuẩn bị ra hoa thì càng tốt.

Nhưng thực tế không phải vậy, đối với cây trồng nói chung, cây cà phê nói riêng nếu tưới nước quá nhiều không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng tới năng suất.

Đối với cây cà phê, khi áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm 40- 50% lượng nước, trung bình mỗi cây chỉ cần tưới 250 lít cho mỗi đợt tưới thay vì sử dụng 500- 1.000 lít nước như nông dân chúng ta vẫn làm.

Thực tiễn cuộc sống đã có nhiều minh chứng sống động khi thực hiện việc tưới tiết kiệm, hợp lý cho cây trồng đã góp phần làm tăng năng suất.

Cụ thể đối với cây mía, nếu không tưới thì chỉ cho năng suất tối đa 70 tấn mía cây/ha. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho mía, năng suất đạt 120 tấn mía/ha.

Hay như đối với cây cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), nếu tưới thông thường thì phải sử dụng 2.000- 2.500 m3 nước/ha, nhưng khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi hecta trồng cam Cao Phong chỉ cần 600- 800 m3 nước/ha.

Theo TS. Trần Đại Nghĩa- Trưởng Bộ môn Quản lý tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), để tiến hành các biện pháp thúc đẩy áp dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH, việc nghiên cứu, phát triển mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái cần được quan tâm, chú trọng.

"Công nghệ tưới tiết kiệm có hiệu quả rất cao nhưng hiện vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể áp dụng. Bà con nông dân ta vẫn tư duy tưới nước là phải tưới đẫm cây mới hiệu quả.

Do đó vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các cấp và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp”- Ths. Nguyễn Xuân Kiều chia sẻ.

Để tiết kiệm nước riêng đối với cây lúa, cần áp dụng phương thức tưới “nông, lộ, phơi” (kết hợp giữa lớp nước nông, lộ và phơi ruộng theo từng giai đoạn của cây lúa).

Những lợi ích của việc sử dụng nước tiết kiệm đã được thực tế minh chứng, khẳng định. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này lại không hề đơn giản bởi mỗi loại cây trồng lại phải áp dụng biện pháp tưới nước khác nhau.

Đặc biệt đối với các loại cây trồng cạn, nếu áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ phải đầu tư với nguồn vốn khá lớn.

Theo Ths. Nguyễn Xuân Kiều: Chi phí đầu tư trang thiết bị tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt hiện giao động từ 15- 150 triệu đồng/ha tùy loại cây trồng, chẳng hạn cây hồ tiêu 80 triệu đồng/ha, cà phê 50 triệu đồng, rau 50 triệu đồng/ha.

Với mức đầu tư như vậy thì đã vượt quá khả năng của nhiều nông dân- đặc biệt các hộ gia đình nghèo. Do đó, để nông dân có thể triển khai áp dụng việc tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, rất cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền giúp nông dân hiểu được tác dụng, ý nghĩa của việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý không chỉ là giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.

Việc sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá đang ngày càng khan hiếm, đồng thời giúp giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể tăng năng suất từ 10- 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20- 50%; tiết kiệm lượng nước so với tưới truyền thống từ 20- 40%.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI (TP Cần Thơ)