Nhà nông tìm hiểu

Ủ phân hữu cơ từ phân chuồng

Cập nhật, 10:53, Thứ Ba, 23/05/2017 (GMT+7)

Tôi có chăn nuôi heo, bò, gà thì có thể tận dụng nguồn phân này để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng hay không?

Nguyễn Thanh Tùng

(Trung Hiếu- Vũng Liêm)

Ông Tùng mến! Nguồn phân hữu cơ truyền thống bà con nông dân thường hay sử dụng là phân gia súc, gia cầm… gọi chung là phân chuồng, rất tốt cho cây trồng.

Tuy nhiên, nông dân thường sử dụng phân tươi hoặc phơi khô để bón, như thế nguồn dinh dưỡng trong phân sẽ bị mất đi. Khi ủ phân hữu cơ đúng kỹ thuật sẽ tiêu diệt được các vi sinh vật có hại, biến đổi chất dinh dưỡng cây trồng khó hấp thụ thành dễ hấp thụ.

Hiện nay, trong quy trình ủ phân hữu cơ thường sử dụng men vi sinh Trichoderma là nguồn nấm đối kháng với các vi sinh vật có hại, giúp hạn chế một số bệnh hại rễ khi bón cho cây trồng. Để có được nguồn phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nông dân phải biết cách ủ phân đúng kỹ thuật:

Chọn đất cao ráo, đào hố ủ sâu khoảng 1- 1,5m. Có thể xây hố ủ bằng xi măng.

Chuẩn bị nguyên vật liệu: Thực vật đã phơi héo: rơm, cỏ, lục bình, lá cây... (xác bã thực vật); phân chuồng (đã mất mùi hôi): lượng bằng 1/4 tổng thể tích; bạt nhựa (không dùng nilon trong) phủ giữ ẩm; phân Urê: 50 g/m3; Tricô- ĐHCT: 20-30 g/m3.

Cách thực hiện: Xác bã thực vật được làm ẩm trước một ngày. Xếp xác bã thực vật thành lớp khoảng 20cm, phân chuồng khoảng 5-10cm. Sau đó tưới Tricô- ĐHCT cộng với phân Urê lên. Tiếp tục xếp lớp (khoảng 5 lớp) đến khi đống ủ đạt chiều cao 1,2- 1,5m. Để gia tăng tiến trình ủ, có thể trộn thêm phân lân và phân đạm làm thức ăn cho vi sinh vật.

Chú ý, sau mỗi lớp, đạp để đống ủ được nén dẽ, tưới nước vừa đủ ẩm (nắm chặt tay vừa rịn nước), dùng bạt nhựa phủ và chèn kỹ đống ủ để giữ ẩm, thoát nước trong mùa mưa, kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm hàng tuần. Nếu nhiệt độ trên 50 độ C và ẩm độ 40- 60% (vừa ướt tay) thì cần bổ sung thêm nước và Urê. Sau 3 tuần, giở bạt ra kiểm tra và đảo đống ủ. Thời gian ủ hoai 1,5- 2 tháng.

BẠN NHÀ NÔNG