Tam Bình trồng lúa sạch hữu cơ

Cập nhật, 04:53, Thứ Tư, 28/12/2016 (GMT+7)

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đang gây sự chú ý cho nhiều người, bởi đây được xem là mô hình đầu tiên trong tỉnh làm lúa theo quy trình sản xuất sạch và nhất là được bao tiêu toàn bộ sau thu hoạch.

Sau 2 vụ làm chưa hiệu quả, nhưng qua ghi nhận thực tế, cái được của mô hình là nông dân dần quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất để hạch toán chi phí sản xuất; tạo ra gạo sạch và nhất là hình thành thói quen sản xuất không dùng phân bón, thuốc hóa học trong nông dân.

Chị Nguyễn Thị Sang bên trà lúa Đông Xuân của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Sang bên trà lúa Đông Xuân của gia đình.

Cơ hội cho nông dân làm giàu

Với kinh nghiệm sau 2 vụ làm “chưa có lời”, hiện nông dân Mỹ Lộc đang bước vào vụ lúa thứ 3 (vụ Đông Xuân) sản xuất quy trình hữu cơ, khép kín với nhiều tự tin.

Trên cánh đồng rộng hơn 40ha tại Ấp 9 (xã Mỹ Lộc), thời điểm này lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh sau hơn 40 ngày gieo sạ, phát triển khá tốt.

Chị Nguyễn Thị Sang có 6 công ruộng canh tác theo mô hình ngay từ vụ đầu tiên cho biết, do 2 vụ đầu chưa rành cách làm và thời thiết bất lợi quá nên không có lời.

Không nản lòng, những buổi hội thảo đầu bờ có sự hướng dẫn của kỹ sư sau đó chị đều tham gia đầy đủ, nhờ vậy mà chị học hỏi khá nhiều kỹ thuật.

“Làm lúa trước đây thấy sâu, bệnh thì đem phân thuốc hóa học phun xịt, giờ toàn bộ phải bón phân hữu cơ mà phải đúng quy trình nữa.”-
chị Sang nói.

Ông Dương Văn Thành- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến, cho biết mô hình được thực hiện từ Hè Thu năm nay với khoảng 40ha.

Tuy nhiên, đến vụ Thu Đông đã giảm chỉ còn khoảng 27ha. “Sở dĩ diện tích giảm do chưa có kinh nghiệm cộng với thời tiết bất lợi, năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 3,8 tấn/ha. Nhưng bù lại bán được với giá 11.000 đ/kg, cao hơn lúa thường cùng loại từ 3.000- 4.000 đ/kg và được bao tiêu toàn bộ”.

Ông Thành lý giải, cũng những lý do này mà đến vụ Đông Xuân này diện tích tăng trở lại lên đến hơn 40ha ở Ấp 9 và Ấp 11 với trên 70 hộ tham gia.

Nói về sự khác biệt việc canh tác lúa hữu cơ, ông Trần Văn Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc cho biết, do bón phân hữu cơ nên trong từng giai đoạn lá không xanh như bón phân hóa học, phát triển từ từ, lá cứng vì vậy sâu rầy cũng ít tấn công hơn.

“Nhiều bà con mới làm vụ đầu, thấy vậy sợ không hiệu quả nên không dám tham gia. Sau đó được kỹ sư hướng dẫn hiểu ra nên vụ tiếp theo đồng ý tham gia trở lại”.

Ông Cường cũng cho biết, hiện cứ 10 ngày bà con trong HTX sẽ họp 1 lần để được kỹ sư tư vấn kỹ thuật. Nhờ vậy, những vướng mắc được giải đáp, xử lý rất kịp thời.

 Cùng lo cho nông dân

Hiện gạo hữu cơ sản xuất từ Mỹ Lộc được đóng gói tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Long và một số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Trên bao bì gạo được ghi rõ nơi xuất xứ sản phẩm. Đây được xem là bước đệm quan trọng quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi hơn trong sản xuất mở rộng mô hình.

Để hoạt động bài bản, ngay từ vụ lúa đầu tiên địa phương đã thành lập HTX để đứng ra điều hành. Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT, đơn vị cung ứng phân bón hữu cơ cũng cử kỹ sư túc trực để kịp thời tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật.

Về đầu ra sản phẩm, ông Dương Văn Thành cho biết, hiện HTX đã ký hợp đồng với Công ty CP Nông nghiệp GAP TP Hồ Chí Minh để cung ứng phân bón hữu cơ và ký hợp đồng với Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh để bao tiêu thu mua, với giá cao hơn thị trường.

Thời điểm lúa sắp thu hoạch, thành viên HTX thăm đồng để xác định thời điểm thu hoạch lúa, sau đó lên lịch cho từng khu vực và hợp đồng máy cắt.

Sau khi lúa cắt xong vận chuyển ra lộ lớn, phía công ty sẽ cho phương tiện xuống thu gom. “HTX chúng tôi sẽ đứng ra lập danh sách, số lượng lúa sau đó hợp đồng công ty ngày lấy tiền về trả cho người dân. Nông dân rất yên tâm khâu này.”- ông Thành cho biết.

Sau Tết Nguyên đán, bà con nơi đây sẽ bước vào thu hoạch lúa hữu cơ vụ thứ 3 với niềm hy vọng trúng mùa. Chị Nguyễn Thị Sang cho biết, lúa chị hiện được trên 40 ngày tuổi, phát triển tốt hơn so 2 vụ trước đây nên chị dự báo năng suất sẽ đạt cao.

Ông Trần Văn Cường ước tính, nếu lúa hữu cơ năng suất vụ Đông Xuân này đạt 5 tấn/ha, với giá bao tiêu khoảng 11.000 đ/kg thì nông dân thu vào khoảng 55 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn 25 triệu/ha/vụ.

Trong khi, sản xuất thường năng suất có thể cao đạt 7- 8 tấn/ha nhưng ngược lại giá cả có thể chỉ phân nửa nên lúa hữu cơ vẫn lời hơn rất nhiều.

“Công ty đã đặt vấn đề bao tiêu lên đến 100ha, vì vậy tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nông dân không chỉ Ấp 9 mà ấp lân cận cùng tham gia.”- ông nói thêm.

Còn theo ông Thành, cái khó hiện là vẫn còn một vài diện tích “da beo” nên hướng tới sẽ vận động những ruộng liền kề tham gia, tạo thành cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa hữu cơ. Khi đó, sẽ thuận lợi hơn trong gieo sạ, thu hoạch và nhất là doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm.

 

Ông Dương Văn Thành
Ông Dương Văn Thành

Ngoài Ấp 9 có 51 hộ sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích gần 30ha, trong vụ Đông Xuân này, xã Mỹ Lộc còn thành lập thêm một tổ hợp tác ở Ấp 11 với 10,8ha làm lúa hữu cơ. Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết, sau thời gian thực hiện, người dân đã yên tâm làm lúa hữu cơ, vì vậy tới đây sẽ được nghiên cứu nhân rộng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- CAO HUYỀN