Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị đạo ôn hại lúa

Cập nhật, 15:05, Thứ Ba, 20/12/2016 (GMT+7)

Ruộng nhà tôi lúa đang trổ đòng đòng, tôi ra thăm thấy xuất hiện bệnh đạo ôn. Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng trị?

Nguyễn Văn Ngoan (Mang Thít)

Anh Ngoan mến, bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Khi tiết trời âm u, ít nắng, độ ẩm cao… sẽ thuận lợi cho bệnh phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh- làm đòng. Bệnh thường gây hại nặng trên ruộng sạ bằng giống nhiễm bệnh (Jasmine, IR50404, OM6976…), gieo sạ dày, bón thừa phân đạm…

Để quản lý bệnh hiệu quả cần áp dụng tổng hợp các biện pháp: chọn giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để sạ. Trước khi sạ, xử lý hạt giống, dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây bệnh vụ trước…

Không sạ quá dày, bón phân cân đối. Khi thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, chủ động phòng ngừa bằng cách tăng cường phân kali, phun thuốc phòng ngừa trước (nếu ruộng sạ bằng giống nhiễm, sạ dày và dư đạm).

Cần thăm đồng thường xuyên. Khi thấy bệnh chớm xuất hiện thì ngừng bón phân đạm và phun một trong các loại thuốc sau: Pysaigon 50WP, hoặc Saipan 2SL; Trizole 75 WP/WDG hay Lúa vàng 20WP…

Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5- 7 ngày. Chú ý phun đủ lượng nước, không pha chung phân bón lá, phun khi ruộng đã ráo sương, ráo nước sau mưa. Có thể phun trước khi lúa trổ hoặc sau khi trổ đều…

Chúc anh trị hết đạo ôn và có vụ mùa bội thu. Mến chào anh!

BẠN NHÀ NÔNG