Nhà nông tìm hiểu

Xử lý ao nuôi thủy sản sau mưa

Cập nhật, 05:46, Thứ Ba, 15/11/2016 (GMT+7)

Môi trường trong ao nuôi thường thay đổi khi mưa lớn khiến tôm, cá dễ bị bệnh, gây thất thoát lớn. Xin hỏi cách xử lý ao nuôi thủy sản sau mưa?

Nguyễn Văn Hai (Vũng Liêm)

Anh Hai mến, để xử lý ao nuôi sau mưa lớn, cần kiểm tra ngay bờ ao, cống thoát nước để biết tình trạng ao. Vớt rác, tránh ô nhiễm nguồn nước. Theo dõi màu sắc cơ thể, sức ăn… để kiểm tra sức khỏe tôm, cá.

Kiểm tra độ mặn, oxy hòa tan… để có biện pháp xử lý kịp thời. Xả bớt nước tầng mặt để duy trì mực nước thích hợp, tránh gây phân tầng. Bên cạnh, chạy quạt nước và sục khí liên tục để cung cấp oxy trong ao.

Đồng thời, trữ thêm viên oxy tức thời, phòng thiếu oxy khẩn cấp. Sau mưa, pH trong ao ở mức thấp và không ổn định (nếu trước và trong lúc mưa không rải vôi ổn định pH). Kiểm tra, nếu pH chưa đạt ngưỡng thích hợp, cần bón CaCO3 lượng 15- 20 kg/100m2.

Mặt khác, khắc phục nước đục, giảm độ kiềm bằng muối vô cơ như: nhôm sunfat hay thạch cao (30kg/1.000m2), lặp lại 2- 3 lần.

Đồng thời, dùng Dolomite 10- 20 kg/1.000m3 (với ao tôm) xử lý từ từ đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép. Sau khi ổn định được độ trong, gây lại màu nước ao.

Khi mưa bão dứt hẳn, cho thủy sản ăn lại nhưng chỉ 30- 50% ngày thường. Đồng thời, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng.

Dùng thuốc hay hóa chất tắm cho cá như muối ăn 2- 4%, CuSO4 2- 5%... hoặc phun trực tiếp xuống ao với lượng nhỏ hơn 10 lần.

Chúc anh khắc phục ao nuôi sau mưa hiệu quả, mến chào anh!

BẠN NHÀ NÔNG