HẠN, MẶN XÂM NHẬP

Sầu riêng thành... sầu chung!

Cập nhật, 12:52, Thứ Ba, 17/05/2016 (GMT+7)

Cù lao 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) là “vương quốc” của cây sầu riêng. Nhưng đợt hạn, mặn “chưa từng có” những ngày qua đã làm không ít vườn sầu riêng rụng lá, rụng trái, cây khô cành rồi chết. Vườn chết ít thì vài chục cây, chết nhiều lên đến hàng trăm cây. Nhiều nhà vườn than thở: Sầu riêng giờ thành sầu chung!

Vợ anh Trần Văn Củi vẫn kiên trì tưới nước mỗi ngày, hy vọng cứu 100 gốc sầu riêng ảnh hưởng nước mặn.
Vợ anh Trần Văn Củi vẫn kiên trì tưới nước mỗi ngày, hy vọng cứu 100 gốc sầu riêng ảnh hưởng nước mặn.

Xót xa nhìn sầu riêng chết dần

Tại xã Thanh Bình, trưa 14/5 trời nắng như thiêu đốt. Hai bên con đường nhỏ dẫn vào ấp Thái Bình và ấp Lăng là những vườn sầu riêng héo lá, khô cành và chết rụi.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ- công chức nông nghiệp- thủy lợi xã dẫn chúng tôi tìm vài hộ có vườn sầu riêng thiệt hại, nhưng phần đông nhà đều đóng cửa. Ông lý giải: “Cây chết, nóng ruột nên nhà nào cũng ra vườn từ sáng sớm để tranh thủ lấy nước ngọt rửa mặn cứu cây sầu riêng”.

Men theo đường nhựa về ấp Thái Bình, khu vực “gần sông lớn” khó ngăn mặn nên sầu riêng chết còn nhiều hơn. Có vườn sầu riêng trên 10 năm tuổi, cây chết héo queo không còn lá, trái khô rang treo lủng lẳng.

Ghé vào nhà anh Trần Văn Củi, đã quá trưa nhưng vợ anh vẫn hì hục bơm nước tưới những gốc sầu riêng rũ lá. Con kinh nhỏ dẫn nước từ sông Rạch Lá vào đã bị ngăn mặn xâm nhập hơn tháng qua hiện cũng trơ đáy, khô nứt nẻ.

Vườn anh Củi trồng khoảng 500 gốc sầu riêng, trong 2 đợt xâm nhập mặn thời điểm trước và sau tết không ăn thua gì, nhưng đến đợt xâm nhập mặn mới đây chỉ trong khoảng 10 ngày có hơn 100 gốc sầu riêng chết héo.

Vợ anh Củi thở dài: “Năm nay thất thu nặng rồi, sầu riêng mới ra trái bị nhiễm mặn không lên cơm, sau đó nứt trái hết”. Chị cho biết, mỗi năm sầu riêng chỉ cho trái 1 vụ, nhưng với việc nhiễm mặn như hiện nay, nếu khôi phục được thì ít nhất 2 năm sau mới làm trái trở lại, thời gian này không biết sống ra sao.

Ngược về ấp Lăng, sầu riêng vẫn là nỗi “sầu chung” của nhiều nhà vườn. Ông Nguyễn Văn Kia chỉ những cây sầu riêng quanh nhà, dù “không tưới nước mặn” nhưng lá cũng héo queo. Ông nói sống đây hơn 60 năm chưa bao giờ thấy độ mặn cao như năm nay.

Để cứu vườn sầu riêng 5 công với hơn 90 gốc, ông phải cắt bỏ trái. “10 ngày trời nước mặn neo trong mương tôi không dám bơm tưới giọt nào, vậy mà cũng hơn 50 cây đổ lá và 13 cây đã chết, chứ tưới nữa chắc tiêu hết rồi”- ông Kia nói thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ cho biết, những năm trước đây, nước mặn dù xâm nhập nhưng cũng không ảnh hưởng tới vùng chuyên canh cây ăn trái này. Thế nhưng từ Tết Bính Thân 2016 đến nay, nước mặn đột ngột “đánh úp” các con rạch trên sông lớn len lỏi vào tận vườn.

Cũng theo ông, sầu riêng chịu mặn cao nhất chỉ 2- 3‰, nhưng vừa qua nước mặn lên đến 5‰ nên bị vàng lá rồi chết khô chỉ sau vài ngày. Những vườn bị nhiễm mặn ít thì cây trái đèo đẹt, không lớn nổi, nhiễm mặn do “buộc phải tưới” bởi nắng nóng thì chết gần như toàn bộ.

Thống kê chưa đầy đủ, toàn xã hiện có trên 460/1.167ha vườn cây ăn trái thiệt hại, trong đó sầu riêng là hơn 340ha.

Tại xã Quới Thiện, theo ông Huỳnh Văn Mười Anh- công chức nông nghiệp- thủy lợi xã cho biết, qua thống kê đã có hơn 270ha sầu riêng thiệt hại, năng suất giảm từ 60-70%, có vườn thiệt hại hoàn toàn.

Cũng theo ông, đây là lần đầu tiên mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và nồng độ mặn rất cao so với những năm trước. “Để giảm thiệt hại, chúng tôi khuyến cáo nhà vườn, nên mạnh dạn lặt bỏ bớt trái, tỉa bớt cành, không nên tiếc để trái rất dễ làm cây chết”- ông Mười Anh nói thêm.

Khẩn trương khắc phục

Thống kê sơ bộ tại 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện đã có hơn 600ha sầu riêng thiệt hại. Do khan hàng nên hiện giá sầu riêng tại địa phương đã lên tới 40.000- 50.000 đ/kg, nhưng nông dân không có hàng để bán.

Trước tình hình nhiều vườn sầu riêng thiệt hại do hạn mặn, trong thời gian qua lãnh đạo từ tỉnh, huyện, xã cũng xuống địa bàn cùng nông dân tìm giải pháp khắc phục.

Bà Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua khảo sát mới đây, nguyên nhân sầu riêng rụng lá và chết một mặt do nước mặn xâm nhập, mặt khác do nông dân không chăm sóc đúng kỹ thuật làm cây suy kiệt, mầm bệnh tấn công trên lá và rễ gây hại kép. 

“Trước mắt, bà con cần đào những ao, mương quanh nhà tự trữ nước ngọt, không nên sử dụng vòi phun mạnh vào gốc làm mất dinh dưỡng lớp mặt, mà nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, hạn chế nước tưới giúp sầu riêng vượt qua ảnh hưởng hạn mặn.”- bà Huỳnh Kim Định khuyến cáo.

Ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND Vũng Liêm cho biết, đang gấp rút thống kê mức độ thiệt hại để báo cáo về trên hỗ trợ nhà vườn khắc phục, đồng thời kiến nghị tổ chức buổi hội thảo hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân sớm khôi phục vườn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện một số công trình ngăn mặn đưa nước ngọt tại 2 xã cù lao; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin độ mặn tuyên truyền để nông dân nắm bắt, hạn chế thiệt hại.”- ông Hồ Công Nguyên cho biết thêm.

Ngoài sầu riêng thì nhiều diện tích bưởi, chôm chôm cũng đang chịu thiệt hại nặng do hạn, mặn. Tại xã Thanh Bình có trên 125ha thiệt hại, trong đó bưởi thiệt hại từ 30- 70% là 121ha. Xã Quới Thiện có khoảng 10ha chôm chôm ảnh hưởng cây giai đoạn làm bông, gây thất thu nặng nề.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH