Cây đậu nành gặp khó

Cập nhật, 10:49, Thứ Ba, 31/05/2016 (GMT+7)

 

Mưa dầm những ngày qua ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đậu nành của nhiều bà con.
Mưa dầm những ngày qua ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đậu nành của nhiều bà con.

Từ xã Tân Hạnh, những năm qua trồng đậu nành luân canh với lúa nhanh chóng phát triển sang các xã Phước Hậu (Long Hồ), Trường An (TP Vĩnh Long) với diện tích có năm lên đến hàng trăm hecta.

Thế nhưng, tới vụ Hè Thu năm nay do sử dụng nguồn giống trôi nổi nên sâu bệnh gia tăng, năng suất giảm, giá bán khá thấp khiến nhiều nông dân chán nản bỏ đậu nành.

 

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Long Hồ, diện tích đậu nành đã giảm gần 250ha so với vụ rồi, hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 46ha.

Phụ thuộc giống

Xã Tân Hạnh là địa phương đi đầu phong trào trồng đậu nành, được ngành nông nghiệp khuyến khích trồng luân canh lúa từ năm 2007. Mô hình “2 lúa- 1 đậu nành” nhanh chóng được nông dân hưởng ứng, bởi đậu nành khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả khá cao.

Ông Phạm Văn Hoàng- công chức nông nghiệp xã cho biết, trung bình mỗi công đậu nành cho năng suất khoảng 2 tấn, giá bán những năm trước từ 13.000- 15.000 đ/kg, người trồng lời gần gấp đôi so trồng lúa.

Thế là diện tích đậu nành tăng nhanh qua từng năm, đến vụ Hè Thu 2014 toàn xã lên tới 240ha. Nhu cầu giống để đáp ứng từ đây tăng cao. Trong khi địa phương không thể sản xuất giống mà phải mua giống đậu trôi nổi từ Đồng Tháp về để gieo sạ. Điều này, dẫn đến năng suất, sâu bệnh gia tăng gây hại.

Ông Phạm Văn Hoàng cho biết, vụ đậu nành Hè Thu 2015 xảy ra tình trạng khan hiếm giống. Ngoài giá cả bị đẩy tăng cao, thương lái còn trộn nhiều loại giống đậu nành để bán.

Do thời gian sinh trưởng khác nhau nên lớp thu hoạch được, lớp chưa nên năng suất giảm còn phân nửa so những vụ trước. Bên cạnh, do sản lượng nhiều nên giá đậu nành xuống rất thấp, có lúc chỉ còn 5.000 đ/kg nên nông dân thua lỗ nặng. Đến vụ Hè Thu này, nhiều nông dân đã bỏ đậu nành quay về trồng lúa.

Chuyện phụ thuộc giống từ cánh thương lái chủ yếu ở Đồng Tháp cung ứng là không mới. Tuy nhiên, lo ngại nhất là nguồn gốc các giống này rất mù mờ, nông dân chấp nhận bởi “trước giờ vẫn mua trồng kiểu vậy”.

Lý do, người dân địa phương không tự sản xuất giống, theo ông Phạm Văn Hoàng, bởi đậu nành chỉ thích hợp trồng vụ Hè Thu, trong khi vụ này thường mưa nhiều, lại là vùng trũng chân ruộng ướt nên làm giống tốn rất nhiều chi phí, hiệu quả lại không cao. Ngược lại, phía Đồng Tháp nông dân tận dụng những liếp rẫy lớn, cao ráo sản xuất đậu nành giống, rất hiệu quả.

Liên tiếp nhiều năm vừa qua, ông Hoàng cho biết địa phương chủ động liên hệ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) và gần đây nhất là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) đến địa phương hỗ trợ sản xuất giống. Tuy nhiên, những giống đậu mà các đơn vị này lựa chọn không phù hợp sản xuất tại địa phương nên không được nông dân hưởng ứng.

Đầu ra bấp bênh

Bên cạnh phụ thuộc đậu nành giống, đầu ra cho sản phẩm này cũng hết sức bấp bênh. Theo nhiều nông dân, đậu nành sau khi thu hoạch, phơi khô thương lái từ Đồng Tháp xuống thu mua, giá cả họ quyết định.

Ông Võ Văn Hải (ấp Tân Quới Tây- xã Trường An) cho biết vừa thu hoạch xong 2 công đậu nành, phơi khô nằm đợi thương lái.

Theo ông, đậu nành là cây dễ trồng, chỉ cần thả nước vào một lần sau khi sạ vài ngày để giữ ẩm rồi rút nước hoàn toàn cho đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, những vụ gần đây giống không chất lượng dẫn đến năng suất, giá cả thấp nên nhiều người chán nản.

“Trồng đậu nành giờ lời thấp lắm, phụ thuộc hoàn toàn từ giống đến khi bán. Nếu gặp thời tiết mưa, đậu nành giảm chất lượng giá chỉ còn phân nửa so bình thường. Nhiều hộ xung quanh trước nay trồng đậu nành hiện làm đất dự định quay về trồng lúa”- ông Hải cho biết thêm.

Ông Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thời điểm này năm trước, diện tích đậu nành xuống giống đạt gần 100% (95ha), thì vụ này chỉ còn 16ha. Phần lớn chuyển sang trồng dưa hấu, ấu, rau màu.

Ông Lê Hoàng Thanh- Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh cho biết, trước đây có một công ty ở Tiền Giang đến hợp đồng bao tiêu đậu nành tại 2 ấp Tân Thới và Tân An khoảng 8ha, giá cả ổn định nông dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, những năm gần đây khi đậu nành bị sâu đục trái, giảm chất lượng rồi công ty cũng rút lui. Nhiều nông dân chuyển đổi trồng lúa nhiều vụ sau đó quay lại trồng đậu nành nhưng tình trạng sâu bệnh cũng không cải thiện.

Khẳng định đậu nành là cây trồng tiềm năng, tuy nhiên để có thể khôi phục diện tích, ông Lê Hoàng Thanh cho rằng cần phải có nguồn giống tốt cho sản xuất, đồng thời phải có đầu ra ổn định để duy trì cây màu chủ lực này tại địa phương.

Ông Võ Văn Hải bên số đậu nành chưa bán được.
Ông Võ Văn Hải bên số đậu nành chưa bán được.

 

Thực tế ở một số vùng trồng lúa vụ Hè Thu đạt năng suất thấp, nếu chuyển sang trồng đậu nành cho lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, bà con còn khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, giảm khá nhiều chi phí sản xuất, cải tạo và tăng độ màu mỡ của đất, giảm bớt phân bón, tăng hiệu quả cho vụ lúa tiếp theo. Tuy nhiên, để ổn định cần nguồn giống tốt và đầu ra tốt.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH