TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Nghiên cứu thị trường phải đi trước

Cập nhật, 07:29, Thứ Năm, 31/07/2014 (GMT+7)


Sản phẩm nông nghiệp rất cần công nghệ chế biến sau thu hoạch để bảo quản.

Ngày 20/2/2014, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, không ít mô hình khẳng định hiệu quả kinh tế, nhưng còn thiếu tính bền vững.

Chuyển đổi cây trồng vẫn theo tâm lý “chạy theo phong trào”, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến. Hạn chế đầu ra nên muốn nhân rộng không hề đơn giản.

Xung quanh vấn đề này, ngày 25/7, BCĐ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp làm việc với các sở, ngành liên quan về kết quả thực hiện đề án.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nông dân tích cực tham gia phải chứng minh được đầu ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi sau khi chuyển đổi. Và muốn làm được thì việc nghiên cứu thị trường phải đi trước một bước.

Khó nhân rộng

Bà Nguyễn Thị Kim Ba- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm nêu khó khăn của địa phương là công tác vận động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai và đậu nành theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Tại các xã ảnh hưởng xâm nhập mặn, khó trồng lúa như Trung Thành, Trung Nghĩa, Trung Ngãi, huyện đã khuyến khích trồng bắp lai, trồng ớt chỉ thiên khoảng 10ha, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mô hình vì đầu ra còn hạn chế.

 “Nông dân cho biết họ sẽ mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu theo khuyến cáo nếu ngành nông nghiệp chứng minh được đầu ra, còn sản xuất rồi tự tiêu thụ họ sẽ không làm.”- bà Kim Ba nói.

Mục tiêu đến năm 2015, Vũng Liêm sẽ chuyển đổi hơn 11.000ha đất lúa sang cây màu, tập trung vào những vùng trồng lúa kém hiệu quả, tuy nhiên với tình hình “tự sản tự tiêu” như hiện nay theo bà Nguyễn Thị Kim Ba, sẽ gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, với lợi thế đồng cỏ lớn, phụ phẩm trồng trọt nhiều, huyện đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi, đặc biệt là đàn bò.

Toàn huyện hiện có khoảng 23.000 con bò, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn của tỉnh, trong đó bò lai sind đạt 87%. Tuy nhiên, do bò giống có giá khá cao, hộ nghèo thiếu vốn, trong khi vốn vay ngân hàng cũng rất khó tiếp cận.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề đầu ra nông sản cần giao cho các xã, bởi UBND các xã mới nắm được yêu cầu phát triển nông sản địa phương và nhu cầu đầu ra như thế nào.

Bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho rằng, các xã không thể làm nổi nhiệm vụ này, kể cả cấp huyện, mà đầu ra nông sản phải cần ban ngành tỉnh và Trung ương.

“Trong dự án tái cơ cấu nông nghiệp có chăng chúng ta đi quá sâu kỹ thuật mà quên đi thị trường. Nếu làm tốt khâu tiêu thụ đầu ra nông sản, nông dân sẽ mạnh dạn chuyển đổi. Vì vậy, mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của huyện phần lớn tập trung vào các dự án tìm đầu ra nông sản thay vì đầu tư phát triển ồ ạt các mô hình.”- bà Huỳnh Chí Linh nêu ý kiến.

Quan tâm đầu ra nông sản

Rõ ràng, nếu nhìn tổng thể từ trồng trọt đến chăn nuôi nhiều năm qua, đầu ra sản phẩm đều không ổn định, nông dân hoàn toàn lệ thuộc vào mùa vụ, thương lái. Có ý cho rằng, đề án tái cơ cấu nông nghiệp có tập trung lo kỹ thuật mà quên thị trường?

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, bằng nhiều hình thức phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vì “nguồn vốn mà doanh nghiệp bỏ ra sẽ gấp nhiều lần vốn dự án nhà nước đầu tư”.

Cũng theo ông, thời gian qua chúng ta đã làm tốt quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu GlobalGAP, VietGAP, năng suất cây trồng được chuyển đổi cũng nâng cao nhưng cái yếu là đầu ra và công nghệ chế biến.

“Theo đề án tái cơ cấu thì mỗi địa phương có cây trồng, vật nuôi thế mạnh được đầu tư. Tuy nhiên, tôi ví dụ như huyện Vũng Liêm đang phát triển hàng chục mô hình nuôi thủy sản như nuôi lươn, nuôi cá chình, cá lóc,… nhưng nuôi xong bán cho ai thì chưa ai trả lời được, dù hiệu quả các mô hình thì khỏi bàn cãi”.

Để giải quyết bài toán này, ông Nguyễn Trọng Danh cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu chế biến tạo ra nhiều sản phẩm từ thủy sản nhằm đa dạng thị trường.

Liên quan giảm diện tích lúa, nâng cao chất lượng cánh đồng mẫu lớn, ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, không thể mãi làm theo mô hình 10- 20ha mà phải mở rộng. “Hiện nếu doanh nghiệp tham gia đòi hỏi số lượng nhiều, trong khi theo mô hình số lượng ít không đáp ứng được nên họ không mặn mà”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT- Phan Nhựt Ái, cần thiết lúc này là phát huy vai trò các kinh tế tập thể, vì các hợp tác xã nông nghiệp địa phương sẽ góp phần vào điều tiết sản xuất và đảm bảo tiêu thụ nông sản. “Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị tăng cường mỗi hợp tác xã một cán bộ tốt nghiệp đại học có chuyên môn về điều hành quản lý công việc.”- ông Phan Nhựt Ái cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm thực hiện chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đã trồng mới 171ha cây lâu năm, tăng hơn 10 lần; cải tạo vườn tạp kém hiệu quả được 710ha, tăng 3 lần so cùng kỳ. Cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp tăng 0,56%, lâm nghiệp ổn định, thủy sản giảm 0,56%. Cơ cấu nội bộ ngành, so năm 2013, trồng trọt giảm 2,87%, chăn nuôi tăng 2, 86%.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG