Lúa VietGAP- lợi ích lớn cho nông dân

Cập nhật, 10:18, Chủ Nhật, 29/06/2014 (GMT+7)

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Là đơn vị thứ 2 trong 3 đơn vị được trao chứng nhận lúa đạt VietGAP, bà con nông dân Tổ hợp tác sản xuất lúa số 1 (ấp Ngã Ngay, xã Tân Long- Mang Thít) tỏ vẻ vui mừng, phấn khởi.

Theo bà con, làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, gia tăng được năng suất, ổn định sản xuất, bền vững môi trường và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân canh tác lúa. Mô hình tại xã Tân Long có tổng diện tích 24,81ha với 24 hộ tham gia, với sản lượng dự kiến là 496 tấn/năm (3 vụ/năm).

Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long” giai đoạn 2011- 2015. Từ đây, người dân ngày càng nhận ra được lợi ích lớn của việc tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Chú Nguyễn Văn Mua- tổ viên hồ hởi nói: “Tôi tham gia mô hình này vào mùa Đông Xuân năm rồi, thấy tham gia rất có lợi, đem lại hiệu quả. Sản phẩm được cấp chứng nhận nhiều người biết đến, nên đầu ra ổn định, không còn bấp bênh, nông dân tụi tui an tâm hơn. Bên cạnh đó, sản xuất theo quy trình có đồ bảo hộ lao động không chỉ an toàn cho người sản xuất mà còn an toàn cho người tiêu dùng”.

Chú Bùi Văn Sáu- Tổ trưởng tổ sản xuất cho biết: “Lúc tổ mới thành lập, bà con còn lúng túng trong việc ghi chép nhật ký, chưa hiểu hết được lợi ích khi tham gia mô hình. Qua vận động và nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, người dân đã đồng tình nhiệt tình tham gia hơn và việc thực hiện cũng tốt hơn”.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra ổn định mà còn dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân.
 
Chú Nguyễn Văn Đậm- tổ viên cho biết: “Khi tham gia mô hình được hướng dẫn sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo sạ tập trung, bón phân cân đối, phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp… nhờ đó mà năng suất lúa cao hơn lúa ngoài mô hình, trung bình khoảng 8 tấn/ha, đồng thời chi phí sản xuất và giá thành cũng giảm hơn. Nhờ vậy mà người nông dân thay đổi được tập quán sản xuất, biết dùng đúng liều lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật, gom vỏ chai thuốc sau khi sử dụng để đảm bảo môi trường”.

Việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng: ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn, không làm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo.

Nhận thấy lợi ích của việc tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều nông dân ngoài mô hình đã xin vào mô hình để cùng tham gia.

Tổ hợp tác sản xuất lúa số 2 tại Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) có 39 hộ tham gia với tổng diện tích 24,84ha. Trong đó, có 22 hộ trong mô hình và 17 hộ ngoài mô hình.

Chú Phạm Văn Sĩ- Tổ phó Tổ 3 thuộc Tổ hợp tác sản xuất lúa số 2 cho biết: “Trước khi tham gia mô hình, tui chưa biết cách sử dụng phân, thuốc đúng nơi, đúng chỗ. Sau khi tham gia mô hình, tui đã biết xây kho chứa thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, biết cách xây hầm biogas để vừa tận dụng gas vừa bảo vệ môi trường, không vứt vỏ chai thuốc bừa bãi ngoài ruộng, đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, được tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc lúa tốt, đạt hiệu quả hơn”.

Nhiều bà con nông dân trong và ngoài xã Mỹ Lộc mong muốn mô hình sớm mở rộng để người dân nông thôn có điều kiện tham gia để tăng thu nhập.

Chú Trương Văn Chính- nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất ngoài mô hình phấn khởi nói: “Tôi thấy mô hình này tốt, rất hay, có lợi ích lớn cho nông dân. Nông dân được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, lại được hướng dẫn sử dụng sao cho đảm bảo an toàn”.

Ông Võ Văn Quốc- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, đánh giá mô hình cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện tối ưu tác động khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Mục tiêu chính của mô hình là khuyến cáo bà con sản xuất sao cho an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí 13 trong số 19 tiêu chí xã nông thôn mới, thúc đẩy kế hoạch đạt nông thôn mới của địa phương vào năm 2015. Qua đó, kết quả cuối cùng là làm thế nào sản phẩm đến tay người tiêu dùng, có thể truy được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Hiện sản phẩm lúa đã được chứng nhận đạt VietGAP, thời gian tới cần phải giữ vững và phát triển hơn nữa. Vì đây là sản phẩm đạt chất lượng do đó phải quan tâm đến giá cả để người dân phấn khởi, tiếp tục sản xuất.

Hiện cả nước có 18 đơn vị sản xuất lúa đạt VietGAP, trong đó khu vực ĐBSCL có 11 đơn vị của 6 tỉnh- thành. Vĩnh Long có 3 đơn vị được trao chứng nhận lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Tân An Luông (Vũng Liêm), Tân Long (Mang Thít), Mỹ Lộc (Tam Bình).

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- THẢO NGUYÊN