Kiến thức nhà nông

Phân biệt lúa bị ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn

Cập nhật, 10:11, Thứ Ba, 04/03/2014 (GMT+7)

Ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn trên cây lúa có khác nhau, người sản xuất cần phân biệt để có cách xử lý đúng trong cứu lúa.

Ngộ độc hữu cơ: Nguyên nhân thường là do nông dân sản xuất liên tục trên một thửa ruộng, rơm rạ của vụ trước bị vùi trong đất phân rã tiết ra các chất độc gây hại cho lúa vụ sau (các chất độc hữu cơ đó như phenol, hydro sulfic, các axit hữu cơ).

Triệu chứng của ngộ độc hữu cơ là bộ rễ của lúa bị thối đen có mùi hôi, lá chuyển vàng từ chóp xuống và từ bìa lá vào, lá lúa có khuynh hướng dựng đứng, cây lúa lùn kém phát triển và vàng. Hiện tượng này thường xảy ra khi lúa được 15- 30 ngày tuổi sau khi sạ cấy.

Biện pháp khắc phục căn cơ nhất là giãn vụ, vụ sau phải cách vụ trước ít nhất là 3- 4 tuần để rơm rạ trên đồng có thời gian kịp phân hủy (có thể dùng chế phẩm trichoderma phun trên rơm rạ trước khi vùi xuống đất từ 1- 2 ngày) hay trước khi làm đất cần cắt gốc rạ rồi đưa gốc rạ và rơm ra khỏi ruộng.

Nếu phát hiện lúa trên đồng đang ngộ độc phải ngưng bón phân (nhất là phân urê), tháo nước trong ruộng ra hết rồi bón vôi để cải tạo đất và cung cấp canxi cho lúa. Sau đó thay nước trên ruộng nhiều lần để rửa độc cho lúa, phun phân bón lá hỗ trợ cho lúa.

Ngộ độc phèn: Nguyên nhân thường do ruộng thiếu nước nên bị tầng sinh phèn trong đất phát tán phèn, hiện tượng này nông dân gọi là “xì phèn”. Triệu chứng trên lúa là cây lúa bị lụi dần, rễ quăn queo có màu vàng nâu và không thấy có rễ mới, vuốt rễ thấy nhám.

Lá lúa vàng và bị khô ở chóp, trên lá có các chấm nâu sét, bị nặng cây lúa có màu nâu tía sau đó vàng dần rồi chết. Biện pháp khắc phục: khi làm đất phải đánh rãnh phèn trên ruộng để xả phèn và làm mương phèn chung quanh ruộng để ém phèn lúc xả nước, bón vôi và lân (P) trước khi sạ cấy.

Khi cây lúc bị ngộ độc phèn, ngưng ngay việc bón phân đạm (N), rải vôi cho ruộng lúa (200 kg/ha), thay nước trên ruộng và phun phân bón lá giúp lúa vượt lên.

TRUNG TÍN