Lo “đầu ra” cho cánh đồng mẫu lớn

Cập nhật, 07:01, Thứ Ba, 28/05/2013 (GMT+7)


Tiêu thụ lúa trong CĐML chủ yếu thông qua hệ thống thương lái.

Sau hơn 2 năm Vĩnh Long triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã khẳng định hướng đúng trong sản xuất lúa. Song, mối lo ngại của nông dân về đầu ra sản phẩm vẫn canh cánh bên lòng.

Theo nhiều nông dân, hiện rất ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa cho dân. Vì thế, họ vẫn còn hoài nghi về tính hiệu quả của mô hình khi mà giá cả, “đầu ra” của hạt lúa chưa thể kiểm soát.

Nông dân tự “bơi” đầu ra

Ở ĐBSCL nhiều năm qua, mô hình CĐML ở An Giang đã khẳng định một bước tiến vượt bậc trong quy trình sản xuất lúa hàng hóa. Nông dân có thể an tâm sản xuất, bởi từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm được giải quyết đồng bộ thông qua mối liên kết “4 nhà” gắn kết chặt chẽ.

Thế nhưng, không phải địa phương nào khi bắt tay thực hiện cũng đều phát huy hiệu quả như mong muốn.

Tại Vĩnh Long, theo Ban Quản lý Dự án CĐML tỉnh, tính đến vụ Đông Xuân 2012- 2013 đã xây dựng được 7 mô hình CĐML, có 2.551 hộ tham gia với 1.675ha. Các CĐML đã đóng góp vào lợi nhuận chung khoảng 26,4 tỷ đồng, tăng lợi nhuận so với lúa ngoài mô hình là 6,35 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Điển hình, trong vụ lúa Đông Xuân này, hàng trăm hecta lúa trong mô hình CĐML ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) bị “bỏ rơi”, bán cho thương lái với giá trồi sụt.

Ô
ng Lê Quang Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp cho biết: Đầu vụ, 210ha lúa trong mô hình CĐML được Công ty Lương thực Vĩnh Long có kho chứa tại xã “hợp đồng miệng” bao tiêu lúa tại ruộng cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường 200 đ/kg.

Tuy nhiên, khi đến thời điểm thu hoạch, phía công ty cho biết do “chưa kịp xây dựng lò sấy” nên không thể mua lúa ướt như cam kết mà chỉ mua lúa khô. “Trong khi phần lớn nông dân cần bán lúa ướt sau khi thu hoạch để trang trải tiền phân, thuốc nên họ chới với, buộc bán đại cho thương lái, giá cả không được như mong muốn”- ông Lê Quang Thảo bức xúc.

Trong khi đó, tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình), mô hình CĐML 300ha ở Ấp 9, Mỹ Phú và Mỹ Tân thực hiện những năm qua được đánh giá khá hiệu quả do giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, gần đến cuối vụ thu hoạch lại vướng tình trạng “bẻ kèo” từ phía doanh nghiệp thu mua.

Cùng tham gia sản xuất theo mô hình CĐML, ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư kiêm Trưởng Ấp 9, cho biết: Vụ lúa Đông Xuân này, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đưa ra một số điều kiện hợp đồng mua lúa tại ruộng cho nông dân, giá cả tương đương giá thị trường.
 
Tuy nhiên, mới đây phía công ty lại cho hay chỉ mua lúa khi nông dân chở đến kho chứa. “Sau nhiều vụ tham gia CĐML chưa có đầu ra ổn định, năm nay được một công ty hứa mua lúa ai cũng phấn khởi. Nhưng hiện còn 20 ngày nữa lúa bắt đầu thu hoạch thì phía công ty “bẻ kèo” không mua nên chẳng biết tính sao nữa!”- ông Nguyễn Văn Trọng lo lắng.

Tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 7 CĐML được tỉnh thực hiện, đến nay chỉ CĐML ở Tân Long (Mang Thít), Mỹ Lộc (Tam Bình), Tân An Luông (Vũng Liêm), Xuân Hiệp (Trà Ôn) được một số công ty lương thực đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm; còn lại nông dân vẫn tự tìm đầu ra.


Thu hoạch lúa tại xã Xuân Hiệp (Trà Ôn).

Giải bài toán đầu ra

Ông Lê Quang Thảo- người khá trăn trở đầu ra hạt lúa và nhiều lần trực tiếp đến Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất CĐML do công ty này thực hiện được đánh giá thành công, cho rằng mô hình CĐML ở Vĩnh Long chưa thành công như mong muốn bởi còn phân đoạn và “chia việc” cho nhiều đơn vị thực hiện.

Theo đó, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa cho nông dân. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa đến nhà máy (nếu bán ngay cho công ty), sấy lúa và lưu kho miễn phí trong 30 ngày.

Trong khi đó, tại Vĩnh Long, việc triển khai CĐML phần lớn do ngành nông nghiệp đảm nhiệm, bên cạnh một số công ty thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cùng tham gia cung ứng theo hình thức ghi nợ, cuối vụ bán lúa trả. Riêng khâu tiêu thụ sẽ phụ thuộc vào một số công ty lương thực.
 
“Chính quá nhiều đơn vị tham gia nên những hợp đồng tiêu thụ lúa thường rất meo, bởi nếu một đơn vị trong quá trình thực hiện “bẻ kèo” sẽ làm “gãy” cả quy trình thực hiện”- ông Lê Quang Thảo nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Ba (Ấp 9- xã Mỹ Lộc) cho rằng: “Doanh nghiệp đơn phương “bẻ chỉa” là điều bất hợp lý. Ngành chức năng quan tâm xây dựng hợp đồng có mối quan hệ ràng buộc rõ ràng và có tính pháp lý cao. Tránh trường hợp “bẻ kèo” mà thiệt hại trước hết vẫn thuộc về nông dân”.

Theo Ban Quản lý Dự án CĐML tỉnh, sau năm 2015, CĐML sẽ là cánh đồng lớn trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm lượng thuốc, tăng năng suất, bảo vệ môi trường và chứng nhận VietGAP. Hiện Ban Quản lý dự án cũng đã kêu gọi sự trợ lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư thuốc bảo vệ thực vật hình thức trả chậm và bao tiêu lúa cho nông dân.


Cần liên kết “4 nhà” trong sản xuất CĐML.

Để đảm bảo đầu ra, tại các địa phương một số kho lương thực cũng được triển khai đưa vào hoạt động như, tại xã Xuân Hiệp (Trà Ôn), Công ty Lương thực Vĩnh Long đã xây dựng kho sức chứa 45.000- 50.000 tấn, năng lực thu mua trên 200.000 tấn lúa mỗi năm, góp phần tiêu thụ lúa trực tiếp cho 5 huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Bình Minh, Long Hồ và các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh.
 
Bên cạnh, Công ty CP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long cũng đã đầu tư là 19,5 tỷ đồng, xây dựng Xí nghiệp Lương thực Tam Bình ở xã Tường Lộc với sức chứa gạo các loại là 12.000 tấn, khả năng chế biến gạo trên 70.000 tấn/năm. Đây thật sự là điều kiện thuận lợi trong việc ổn định đầu ra hạt lúa trong CĐML thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thảo: “Cái chính lúc này là làm sao để doanh nghiệp và người nông dân gặp nhau trong sản xuất và tiêu thụ với giá cả ổn định, lúc đó CĐML mới thật sự hiệu quả”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG