Nhà nông tìm hiểu

Đu đủ bệnh khảm do vi rút

Cập nhật, 07:56, Thứ Ba, 21/12/2021 (GMT+7)

Đu đủ tôi trồng lá non bị nhăn nheo biến dạng và teo tóp lại, trên lá xuất hiện nhiều đốm vàng, xin hỏi đu đủ bị bệnh gì và phòng trị như thế nào?

Nguyễn Việt Nghĩa

(Long An- Long Hồ)

Anh Nghĩa thân mến! qua mô tả của anh thì có thể đu đủ anh trồng đã bị bệnh khảm do vi rút. Bệnh này lây lan rất nhanh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh do một hoặc kết hợp của các loại vi rút, điển hình Papaya Mosaic Virus và Papaya Ringspot Virus với các triệu chứng như biến dạng, nhăn nheo lá non, trái rất nhỏ, chai sượng hoặc chảy nhựa. Lá bị bệnh khảm có nhiều đốm xanh vàng loang lổ xen kẽ, bệnh càng nặng càng chuyển màu vàng nhiều hơn, lá nhỏ lại, số thùy lá gia tăng.

Trên cây bị nhiễm bệnh khảm sẽ thấy đọt túm lại, còn trơ chùm lá ngọn màu vàng, nhăn nhúm. Cây bị bệnh vẫn cho trái nhưng ít trái, trái nhỏ, biến dạng, lượng đường trong trái giảm, có vị đắng, hạt bị lép và chai sượng. Vi rút bệnh khảm không lan truyền qua hạt nhưng được truyền qua các vết thương và môi giới truyền bệnh là côn trùng chích hút.

Bệnh do vi rút không có thuốc trị, do đó anh nên có biện pháp quản lý bệnh ngay từ khi mới trồng, hạn chế tối đa sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh là chính. Không trồng đu đủ quá dày, không trồng xen đu đủ với các cây cà, ớt, bầu bí, dưa, để không bị lây bệnh hoặc dẫn dụ rệp phá hại. Thường xuyên làm sạch cỏ dại trong vườn đu đủ. Không trồng đu đủ liên tục nhiều vụ, nhất là trên vùng đất trước đó đã bị nhiễm bệnh. Cần thường xuyên quan sát theo dõi, nhổ bỏ sớm và tiêu hủy các cây có triệu chứng bệnh ngay từ trong liếp ươm và trong vườn trồng. Phòng trừ nhóm côn trùng môi giới hạn chế bệnh khảm. Nếu sử dụng thuốc hóa học, anh nên ưu tiên sử dụng nhóm thuốc sinh học. Đu đủ cũng rất mẫn cảm với thuốc nhũ dầu, dễ gây cháy lá, nên phun vào lúc chiều mát.

BẠN NHÀ NÔNG