Vốn tín dụng, động lực phát triển kinh tế gia đình

Cập nhật, 18:02, Thứ Tư, 15/05/2024 (GMT+7)
Vợ chồng anh Đức, chị Thu cùng cán bộ Hội LHPN xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp An Phong thăm mô hình chăn nuôi heo sinh sản của gia đình.
Vợ chồng anh Đức, chị Thu cùng cán bộ Hội LHPN xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp An Phong thăm mô hình chăn nuôi heo sinh sản của gia đình.
Theo giới thiệu của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tam Bình, chúng tôi về xã Ngãi Tứ tìm đến hộ gia đình anh Lai Văn Đức (ấp An Phong) để tìm hiểu về mô hình làm ăn kinh tế, mà ở đó có một phần trợ lực từ nguồn vốn vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
 
Ngay khi chính sách này có hiệu lực, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác, Công an xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người dân các địa bàn.
 
Qua rà soát khảo sát nhu cầu vay, kiểm tra và thẩm định mô hình của các đối tượng ở địa phương, giữa tháng 3/2024, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 2 món vay cho người chấp hành xong án phạt tù ở xã Ngãi Tứ với tổng số tiền 150 triệu đồng (một hộ vay 50 triệu đồng, một hộ vay 100 triệu đồng) để đầu tư chăn nuôi heo sinh sản, cải tạo vườn trồng mít.
 
Dẫn chúng tôi đi quanh mảnh vườn 3 công đất đã một mình cải tạo thành khoảnh, trên đó có trồng dừa đã lâu và bắt đầu xuống giống mít ruột đỏ, tứ quý, anh Đức kể nhiều năm trước khi còn trong trại, anh đã nghĩ tới mô hình nuôi trồng như thế này và nghĩ quyết tâm sẽ làm cho bằng được.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình, 4 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 76 tỷ đồng với trên 2.300 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể huyện: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đạt hơn 496,5 tỷ đồng, chiếm 98,6% tổng dư nợ.

Trở về hơn 2 năm nay, anh bắt đầu mua 100 cây bơ Thanh Sơn trồng. Sau đó nới rộng mương để thả cá, lấp các chỗ trũng tăng diện tích để đặt cây, xây chòi lót ổ nuôi vịt, xây chuồng nuôi heo... Đến nay bơ đã cho trái. Tứ quý cũng vừa xuống đất 150 nhánh, đang đặt thêm 200 nhánh. Mít ruột đỏ cũng bén rễ 150 cây, đang chờ 50 cây giao thêm. Heo nái thụ tinh đã đẻ heo con; vịt và cá cũng ra một vài đợt... “Kể nghe thì thấy nhanh vậy, nhưng đó là cả một quá trình gian nan gầy dựng, tu bổ vào, để bắt đầu thành hình hài của mô hình vườn- ao- chuồng mà ở đó, chăn nuôi heo sinh sản và trồng mít với tứ quý được vợ chồng tôi ấp ủ là chính”- anh Đức chia sẻ.

Đầu tư heo nái giống, đẻ heo con nuôi lại bán tiếp theo thời giá của thị trường, để lấy nguồn thu đó trả lại vốn và tích lũy. “Nói chung tính huê lợi từ heo, vịt, bình quân vợ chồng tôi hàng tháng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Bước đầu như vậy”- anh Đức nói và cho biết vài tháng đến một năm nhà sẽ thu hoạch cá tra, tai tượng, bán cũng được 20-30 triệu đồng tùy giá cả. “Như vậy chưa phải là cao, nhưng vay nguồn vốn khá lớn, phải trả gốc lãi tiết kiệm định kỳ, vợ chồng tôi lấy ngắn nuôi dài bằng cách đó, để tu bổ vào sinh kế chính là nuôi heo nái đẻ và cải tạo vườn trồng mít, tứ quý”.
Nói về nguồn vốn vay, anh Đức cho hay đó là mong mỏi của gia đình: “Bởi vì có 100 triệu đồng vốn này đã tạo động lực cho mình để mình phát triển tới. Chứ nếu không có nguồn hỗ trợ thì tới đâu đó có thể không còn khả năng duy trì mô hình làm kinh tế hộ mà mình suy nghĩ và quyết tâm làm từ ngày trở về...”. Cho nên, anh Đức nói cách tốt nhất bây giờ là phải lao động hăng say, bằng mọi giá là phải tạo điều kiện nuôi trồng tốt hơn để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ngãi Tứ, kể, lúc đầu chưa đi tới trực tiếp hộ gia đình có nhu cầu vay vốn theo chính sách này. Nhưng đến lúc vào khảo sát, được nghe vợ chồng anh Đức định hướng mô hình và cách thực hiện thì đoàn thể quyết định giới thiệu phân bổ vốn tối đa 100 triệu đồng/hộ vay. Chị Nguyễn Thị Hường- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Phong kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, chia sẻ cảm thấy rất phấn khởi và tin tưởng vào tính cần cù, chí thú làm ăn của gia đình hộ vay là chị Thu, anh Đức để sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách đạt hiệu quả, để gầy dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Chỉ vào 2 con heo giống gần 20 triệu đồng đang cho lứa tiếp theo để bán heo con hoặc nuôi heo lứa, chị Trần Thị Lệ Thu, vợ anh Đức, phấn khởi: “Chúng tôi cố gắng nỗ lực để công sức mình bỏ ra cộng với nguồn vốn vay tín dụng này làm sao đem lại hiệu quả tốt nhất, đó là phát triển kinh tế”. Như được tiếp thêm nguồn động lực, anh chị kể cán bộ hội thường xuyên tới lui để hỗ trợ, động viên gia đình mình mần ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả.
 
Vườn bơ của anh Đức trồng từ khi mới trở về địa phương, nay đã cho trái, đã khởi đầu cho các dự định về sinh kế cho gia đình.
Vườn bơ của anh Đức trồng từ khi mới trở về địa phương, nay đã cho trái, đã khởi đầu cho các dự định về sinh kế cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Luân- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình, có thể thấy chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện giúp hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Chính sách còn giúp kết nối tự tạo việc làm, tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động.
 
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Đây là chính sách nhân văn, nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Bài, ảnh: MINH THÁI