Tìm nguồn cát cho các dự án giao thông ĐBSCL

Cập nhật, 16:03, Chủ Nhật, 19/03/2023 (GMT+7)

ĐBSCL đang cần một lượng cát lớn cho các dự án làm đường cao tốc, nâng cấp, mở rộng, xây mới các quốc lộ…Bên cạnh phương án nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, mở mỏ cát mới để khai thác, thì việc thí điểm lấy cát biển thay thế cũng đang được tính đến.

Theo kế hoạch đến năm 2026 ĐBSCL sẽ có hơn 550km đường cao tốc, cần khoảng hơn 47,8 triệu m3 cát.
Theo kế hoạch đến năm 2026 ĐBSCL sẽ có hơn 550km đường cao tốc, cần khoảng hơn 47,8 triệu m3 cát.

Thiếu cát cho cao tốc

Theo Bộ GT - VT, theo kế hoạch đến năm 2026 ĐBSCL sẽ có hơn 550km đường cao tốc, cần khoảng hơn 47,8 triệu m3 cát. Trong đó, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các dự án Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu bố trí cơ bản đủ nguồn cát để thi công. Riêng 2 dự án thành phần cao tốc đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Theo thống kê từ Cục Khoáng sản Việt Nam, đến nay khu vực ĐBSCL đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3). Tuy nhiên hiện nay, trữ lượng cát san lấp còn lại chỉ khoảng 37 triệu m3, trong đó một số giấy phép đã hết hạn, một số giấy phép không được gia hạn và nhiều mỏ có chất lượng không đáp ứng yêu cầu đắp nền đường.

Để giải quyết khó khăn này, Bộ GT - VT đã có văn bản đề nghị tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3 và Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cho dự án. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 (đạt 16% nhu cầu). Tuy nhiên khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ.

Đề xuất tìm vật liệu thay thế

Để giải quyết vấn đề cát đắp nền cho dự án cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GT - VT đã phối hợp với Bộ TN - MT nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển (dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả) vào sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng “không nên bởi cát biển là “đôi chân” kiến tạo nên đồng bằng”.

Ông Hà Huy Anh - Giám đốc quốc gia dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho rằng, nếu khai thác cát biển sẽ tạo điều kiện cho sóng lớn đánh vào bờ biển rất nguy hiểm, bởi bờ biển đang rất yếu do lượng cát đổ ra các cửa biển để bổ sung và bảo vệ cho các bờ biển bồi rất hạn chế và giảm theo thời gian.

Trong khi với giải pháp tăng công suất khai thác khả năng xảy ra sạt lở nhiều hơn cũng rất đáng lo ngại. Lý giải việc này, Ths. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, do ảnh hưởng các đập thủy điện thượng nguồn nên cát hiện về ĐBSCL rất ít, trong khi cát là một trong vật liệu kiến tạo đồng bằng. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông xảy ra sạt lở. Nhắc lại vụ sạt lở ở cù lao Minh (Vĩnh Long) vào chiều 5/12, Ths. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng không hề có dấu hiệu cảnh báo trước nào, điều này chứng tỏ đáy sông nơi đó đã rỗng từ lâu!

Một số sáng kiến về sản phẩm thay thế vật liệu cát sông tại một buổi tọa đàm về cát ở ĐBSCLvừa qua.
Một số sáng kiến về sản phẩm thay thế vật liệu cát sông tại một buổi tọa đàm về cát ở ĐBSCLvừa qua.

Để giải quyết nguồn cát cho dự án cao tốc, Bộ GT - VT đã đề nghị các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai. Đồng thời, đề xuất Bộ TN - MT chủ trì làm việc với các địa phương trong khu vực để xác định trữ lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án; hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng “ngân hàng cát” theo hướng tiếp cận bền vững, còn lâu dài rất cần các giải pháp vật liệu thay thế, giải pháp và công nghệ mới cho thi các công trình giao thông. Có thể chuyển sang xây cầu vượt, đường vượt trên cao… để hạn chế sử dụng cát.

Bài, ảnh: N. HOÀNG

Các tin khác: