Kết nối phố

Phát triển đô thị đồng bộ

Cập nhật, 13:30, Thứ Tư, 22/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Đô thị Vĩnh Long các năm qua phát triển nhanh. Các khu chung cư, phố thương mại thể hiện được nét mới, hiện đại và văn minh…

Song song đó, các dịch vụ cũng được phát triển, tạo nên sự tác động “kéo theo” nhiều lĩnh vực khác phát triển một cách đồng bộ và vững chắc. Song, bình diện tổng quan vẫn còn một số bất cập không như mong muốn so với lợi thế và tiềm năng.

Cụ thể là việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp còn hạn chế. Những khu phố cũ ở một số phường được xây dựng từ trước năm 1975, trông cũ kỹ, nét kiến trúc lạc hậu…

Điều đó làm cho việc đô thị hóa theo hướng hiện đại bị chậm lại. Phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị…

Nhiều chuyên gia lĩnh vực đô thị đã nhìn nhận, Vĩnh Long có vị trí khá đặc biệt ở trung tâm ĐBSCL, sông nước là một giá trị bản sắc, mang cá tính riêng rất đáng tự hào.

Khai thác, phát huy hiệu quả không gian này thì có thể thu hút đầu tư, khai thác du lịch, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Trong đó, cần định hướng tương lai phát triển theo hướng đô thị xanh, từ quy hoạch, thẩm định, thiết kế cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dịch vụ theo hướng công nghệ và chất lượng cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng đô thị.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm rằng, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà là do hoạch định, thực hiện chính sách.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, hành động mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Đây là điều cần thiết nhằm thúc đẩy, định hướng cho quá trình đô thị hóa vì lợi ích của tất cả người dân.

N. HOÀNG