Câu chuyện nông thôn

Nguồn lực cho nông nghiệp

Cập nhật, 17:56, Thứ Tư, 22/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Cho dù đồng bằng đang quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cũng như phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ; nhưng đất đai và con người gắn với nông nghiệp vẫn chiếm đa số.

Nông nghiệp vẫn là thế mạnh nền tảng của khu vực này. Và cho dù được sự quan tâm rất lớn từ các chính sách phát triển, định hướng từ Trung ương, nhưng so với nhu cầu thực tế thì nguồn lực dành cho nông nghiệp là chưa đủ, chưa tương xứng. Thậm chí nguồn lực có thể mỏng đi trong tương lai.

Nói nguồn lực với nghĩa bao quát rộng nhất, bao gồm nhân lực, trí lực, tài lực… thì càng lộ rõ nhiều bất cập cho nông nghiệp, trong xu hướng hiện đại hóa, số hóa ngày càng tiến triển nhanh chóng.

Trước tiên về nhân lực ngay trong chuyện nhân công đơn giản thôi cũng ngày càng khan hiếm, trong khi tốc độ cơ giới hóa, tự động hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một khi nhân công càng khan hiếm thì chi phí sẽ càng tăng cao thôi.

Trong khi đó, sự phát triển xã hội ở tầm mức cao đòi hỏi nền nông nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, để gia tăng chất xám, gia tăng chất khoa học kỹ thuật trong nông sản.

Đó cũng là một trong những lý do cốt lõi làm cho tiến trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn khá chậm chạp, chưa đi vào thực chất nói gì đến phát triển trình độ cao để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Có thể nói không quá khi coi nông nghiệp là “cái chân đế” cho sự phát triển của đồng bằng, cùng với thuận lợi rất lớn về thổ nhưỡng, địa lý, khí hậu… sẽ thật là đáng tiếc khi đồng bằng chưa thể làm giàu từ nông nghiệp. Nông dân chưa thật sự vững chãi trên chính “đôi chân nông nghiệp” của mình.

Những yếu điểm này càng làm cho sức hút đầu tư của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trở nên thiếu hấp dẫn. Do đó, thiếu hẳn tài lực cho sự phát triển một cách cân đối, hài hòa và hiện đại.

Nông dân vẫn còn nhiều tư duy làm ăn riêng lẻ, các địa phương cũng chưa thực sự liên kết chặt chẽ để phát huy thế mạnh riêng làm thành sức mạnh chung cho toàn vùng.

Cần có sự dẫn dắt sao cho sự phát triển nông nghiệp của đồng bằng như một “dàn hợp xướng”, không có sự “lạc điệu”, giẫm chân trong nuôi trồng, sản xuất cũng như khâu đầu ra của nông sản.

Cần có một hội đồng vùng trong quy hoạch, phát triển chung, mới có thể tập trung được mọi nguồn lực, mới có thể tập hợp được sức mạnh nông nghiệp mà lẽ ra phải có của đồng bằng.

Hailua@.com