Giao thông đi trước mở đường

Cập nhật, 22:03, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng rút ngắn đáng kể thời gian Vĩnh Long đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng rút ngắn đáng kể thời gian Vĩnh Long đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Theo đó, phát triển hạ tầng giao thông được xác định là một trong 3 khâu đột phá, đã và đang được đầu tư thời gian qua với nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhằm “cởi trói” cho vùng này phát triển xứng tầm.
 
Giao thông kết nối
 
Từ niềm vui lớn cách đây hơn 20 năm - ngày 21/5/2000, cầu Mỹ Thuận được khánh thành - cầu dây văng đầu tiên vượt sông Tiền và lớn nhất Đông Nam Á thời đó; hơn 20 triệu người dân miền Tây Nam Bộ lại hân hoan biết bao khi có thêm cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Cao Lãnh và gần đây là Vàm Cống...
 

 

Cầu Cần Thơ - cầu dây văng đầu tiên vượt sông Hậu.
Cầu Cần Thơ - cầu dây văng đầu tiên vượt sông Hậu.
 
Mỗi cây cầu tiếp tục vượt sông lớn như mạch máu chảy trong cơ thể đồng bằng. Thế nhưng, chừng ấy công trình cho 13 tỉnh, thành xem ra vẫn chưa đáp ứng đủ. Bộ GT-VT nhận định, mạng lưới đường bộ ĐBSCL đã hình thành các trục đường ngang, dọc phù hợp với quy hoạch, song nhiều tuyến chính đã “già nua”, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông. Qua 2 thập kỷ, nhưng khu vực này chỉ xây dựng được 90km đường cao tốc, được xem là chưa tương xứng tốc độ phát triển.
 
Trong những cuộc họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu hay nhắc đến cụm từ “chậm chạp”, “ì ạch”... mỗi khi nói về thực trạng giao thông vùng này, nhất là kết nối với TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất nhì cả nước.
 
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, được ví như nghị quyết “vàng” khi đã nhận định rõ vai trò của ĐBSCL trong đóng góp vào phát triển chung cả nước, đặc biệt là điểm yếu “cốt tử” về giao thông. Từ đó, Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm tạo kết nối liên vùng.
 
Đến nay, điểm nghẽn này đang dần được tháo gỡ thông qua hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng, hình thành mạng lưới đường bộ theo trục dọc, ngang; hệ thống đường vành đai liên kết và tạo cú huých lớn cho khu vực. Cụ thể, khu vực này đã, đang và sắp hưởng lợi khoảng 9 công trình giao thông liên vùng kết nối TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
 
Có thể kể đến đường vành đai 3, 4; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, QL60, N2 và 4 công trình kết nối trục ngang ĐBSCL với Campuchia, gồm: QL62, 30, 91 và QL80. Đặc biệt từ cuối năm 2020 đến nay, liên tục những tin vui liên quan việc quy hoạch trung và dài hạn; khởi công và chạy nước rút để về đích nhiều công trình giao thông trọng điểm, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và tới đây là Cần Thơ - Cà Mau.
 
Theo quy hoạch từ nay đến 2030 hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá.
Theo quy hoạch từ nay đến 2030 hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá.
 
“Dẫn đường” cho phát triển
 
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt thì khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 14 tuyến cao tốc với trên 600km được đưa vào quy hoạch đầu tư trong giai đoạn này.
 
Bộ GT-VT đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư 5 đoạn cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 190km. Theo con số được nguyên Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể từng đưa ra, 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.
 
Không chỉ phát triển trục dọc, theo quy hoạch sẽ hình thành nhiều tuyến cao tốc trục ngang. Cụ thể là tháng 6/2022, Bộ GT-VT có công văn về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn I, thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh. Khi hoàn thành, sẽ hình thành trục ngang kết nối các trục dọc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về cảng Định An (Trà Vinh).
 
Cùng với hệ thống đường bộ, nối mạch máu giao thông đồng bằng là các công trình cầu như: Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, Châu Đốc… hứa hẹn vượt sông thời gian tới. 
 
Mới đây, hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long cũng đồng thuận thống nhất phương án xây cầu Đình Khao có tổng chiều dài tuyến hơn 11km, điểm bắt đầu tại QL53 xã Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), sau đó vượt sông Cổ Chiên, đi qua cồn Phú Đa, cồn Phú Bình (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và kết thúc tại vị trí giao với QL57.
Phà Đình Khao sẽ đi vào dĩ vãng khi Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất phương án xây cầu thay thế.
Phà Đình Khao sẽ đi vào dĩ vãng khi Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất phương án xây cầu thay thế.
 
Tại hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định từ nay đến 2030 hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá.
 
Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, khoảng 400km. Đồng thời phát triển thêm mạng lưới đường sắt từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài khoảng 174km. Đây được xem là sự kiện lịch sử, kết nối 2 nút kép phát triển liên vùng, góp phần quan trọng giải quyết bài toán giao thông cho các tỉnh miền Tây, tạo liên hoàn phát triển kinh tế liên vùng ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. 
Giao thông ĐBSCL phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics. Trong ảnh: Cảng Bình Minh - Vĩnh Long.
Giao thông ĐBSCL phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics. Trong ảnh: Cảng Bình Minh - Vĩnh Long.
Khi hệ thống hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics được nâng cấp và hoàn chỉnh không chỉ tạo thuận lợi đi lại mà còn tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản; tạo nên giá trị bền vững không chỉ cho khu vực ĐBSCL mà cả nước tiếp tục rộng cửa vươn ra thị trường thế giới.
 
Bài, ảnh: HOÀNG MINH