Khởi nghiệp thành công với nhãn ido

Cập nhật, 16:31, Thứ Năm, 24/11/2022 (GMT+7)
Ông Phương thành công với mô hình trồng nhãn ido kết hợp làm du lịch.
Ông Phương thành công với mô hình trồng nhãn ido kết hợp làm du lịch.
Với sự quyết đoán, đổi mới tư duy trong sản xuất cùng ý chí vươn lên, ông Trương Hoàng Phương, 56 tuổi (ấp Phú Thuận, xã Nhơn Phú - Mang Thít) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nhãn ido cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
 
Việc chọn phát triển kinh tế từ một mô hình mới để đem lại thu nhập cao cho gia đình là điều không dễ dàng. Song, với tinh thần vượt khó, ham học hỏi nên ông Phương không chỉ đạt hiệu quả trong việc chuyển đổi sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn giúp người dân địa phương có thêm việc làm.
 
Chia sẻ về con đường khởi nghiệp ở tuổi U60, ông Phương cho hay: Khởi nghiệp ở tuổi nào không quan trọng và chưa bao giờ là muộn, miễn là có đam mê, biết phấn đấu và không bỏ cuộc giữa chừng. Ông Phương kể: Do sản xuất gạch kém hiệu quả, năm 2017, ông đã mạnh dạn trồng nhãn ido kết hợp chăn nuôi. Với diện tích 1,5ha, trồng 600 gốc nhãn ido, ông trồng xen cây tứ quý để lấy ngắn nuôi dài. 
 
“Tôi đã có hơn 1 năm suy nghĩ, trăn trở và tìm hiểu để tìm ra loại cây thích hợp với vùng đất này để làm sao đạt hiệu quả, vừa cho năng suất cao, vừa có giá trị kinh tế. Tôi cũng đã đi tham khảo nhiều mô hình và chọn cây nhãn ido để trồng bởi loại nhãn này cho năng suất cao, sống lâu, thích hợp nhiều loại đất, dễ chăm sóc. Năm nay là vụ thứ 3 cho năng suất rất cao, trung bình 1 cây nhãn cho khoảng 100kg, giá nhãn ổn định từ 15.000 - 20.000 đ/kg. Tính ra 600 cây nhãn cho sản lượng khoảng 60 tấn, doanh thu cũng được 1 tỷ đồng/năm.
 
“Người trồng nhãn sợ nhất là không xử lý cho nhãn ra hoa, ra trái. Còn tôi, rất dễ dàng khi phối hợp xử lý thuốc chặn đọt và tưới thuốc xử lý gốc. Ngoài ra, tỷ lệ nhãn ido bị chổi rồng chỉ có 1% nên tôi chỉ cần chăm sóc tốt thì cây xanh tốt, vượt qua loại bệnh này” - ông Phương cho hay. Vườn nhãn ido của ông Phương đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, có đường nước, đê bao riêng. Để giảm chi phí sản xuất cũng như giúp cây nhãn ido sống lâu hơn, ông đã và đang áp dụng cách bón phân hữu cơ. Theo ông Phương, với cách làm này, trái nhãn ido sẽ ăn ngon, ngọt, an toàn, để lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Nhờ cần cù, chí thú và tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ông Phương là một trong những gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Không chỉ vậy, hiểu được những khó khăn khi khởi nghiệp làm kinh tế, ông Phương sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con lối xóm để cùng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương. Trong các hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội, xây dựng NTM do địa phương phát động, ông Phương cũng tích cực tham gia, đóng góp. 
 
Được ông Phương hỗ trợ kỹ thuật trồng nhãn, ông Dương Văn Phước - xã Nhơn Phú (Mang Thít) chia sẻ: “Tôi có trồng 10 công nhãn ido, nhờ anh Phương hướng dẫn, chia sẻ tận tình cách xử lý ra hoa, đậu trái nên năm vừa rồi nhãn của tôi trúng mùa, bán được giá. Một công nhãn tôi thu hoạch hơn 2 tấn, sau khi trừ chi phí thì còn lời khoảng 15 triệu đồng/công”.
 
Bên cạnh nhãn ido, ông Phương còn trồng xen thêm nhiều loại nhãn khác như: nhãn long tím, nhãn xuồng,… Ngoài ra, ông còn trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao (tai tượng, cá chép, cá hường, cá chém cỏ) và nuôi thêm ốc bươu đen. Đồng thời, cải tạo lại khuôn viên để định hướng tới là gắn kết phát triển du lịch sinh thái vườn. Đây là kế hoạch mà ông Phương ấp ủ kể từ lúc mới trồng nhãn ido.
 
Với ông Phương, khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn.
Với ông Phương, khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn.
Theo ông Phương, nhu cầu du lịch càng ngày càng nhiều. Du khách lại thường có xu hướng muốn tìm đến nơi dân dã, đời thường vì khí hậu mát lành, dòng sông ngọt quanh năm, cây trái xum xuê nên phải tranh thủ, tận dụng lợi thế tiềm năng có sẵn ở địa phương để làm. “Cuối năm 2022 này, tôi sẽ biến vườn nhãn trở thành khu du lịch sinh thái với thương hiệu “Vườn nhãn sinh thái Sáu Phương”. Khách đến đây có thể tìm hiểu qua nhiều loại nhãn, có thể thưởng thức nhãn tại chỗ và các món ăn chế biến từ cá, ốc và hoa thiên lý tôi trồng. Thời gian qua, cũng đã có một số đoàn khách du lịch tham quan vườn nhãn, đã khen và rất thích. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phát triển trong thời gian tới” - ông Phương chia sẻ. 
 
Nhận xét về mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của ông Phương, ông Hồ Phước Dư - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mang Thít cho biết: Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả. Theo đó, nông dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm hướng đi mới để phát triển. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp hỗ trợ mô hình này và dự kiến phát triển thành vườn cây ăn trái kiểu mẫu của huyện. 
 
Bài, ảnh: TRÀ MY