Kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL

Cập nhật, 14:13, Thứ Bảy, 19/11/2022 (GMT+7)
Nông dân vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ trong sản xuất.
Nông dân vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ trong sản xuất.

(VLO) Ngày 19/11, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp - PTNT tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL” nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL đến các tỉnh, thành trong cả nước cũng như xuất khẩu.

Vùng ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, bình quân hàng năm khoảng 4 triệu ha, có nhiều năm cao điểm lên tới 4,3 triệu ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa gạo cả nước.

Hiện nay, nông dân vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao. Sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm.

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị.

Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

Tuy có nhiều bước chuyển lớn, nhưng ngành sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để hoạt động canh tác, sản xuất lúa gạo hiệu quả hơn.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn.

Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,…của thị trường nhập khẩu.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG