Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng

Cập nhật, 06:09, Thứ Năm, 20/10/2022 (GMT+7)
Các doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động ổn định.
Các doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động ổn định.

(VLO) Năm 2022, cùng với chủ trương, hành động quyết liệt từ Chính phủ, địa phương nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sự nỗ lực sáng tạo của các doanh nhân đã lèo lái hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) mình vượt qua nhiều khó khăn, thích ứng nhanh tình hình mới.

Qua đó, đã góp phần tác động tích cực đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời DN có thêm “sức đề kháng” và kinh nghiệm thương trường.

Đi cùng nhau để tiến thật xa

Theo ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, sau đại dịch COVID-19 nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức như lạm phát, suy thoái kinh tế khiến sức cầu, tiêu dùng giảm.

Trong khi chi phí đầu vào: giá xăng dầu các loại nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics… đều tăng đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, ông Nam cho rằng, dù những yếu tố bất lợi đó không ngừng tác động đến hoạt động sản xuất của các DN, nhưng đây cũng là cơ hội “sàng lọc” để DN đánh giá lại thị trường, lựa chọn giải pháp tài chính và chiến lược kinh doanh phù hợp.

Cụ thể đối với ngành sản xuất nước chấm của DNTN Chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương, ông Nam cho biết, các loại chi phí nguyên vật liệu đầu vào như cá, muối, chai, lọ… đã tăng 10 - 15%.

Ví dụ chi phí vận chuyển Vĩnh Long lên TP Hồ Chí Minh từ 1 triệu đồng/tấn đã tăng lên 1,2 triệu đồng/tấn. DN phải chấp nhận đồng lời ít hơn.

Dù vậy, DN cần thời gian để thích ứng và chuyển đổi hướng đi phù hợp điều kiện sản xuất, khả năng tài chính của mình.

Hiện DNTN Hồng Hương đang tính mở cửa cho khách tham quan quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, tạo thêm sản phẩm gắn kết phát triển du lịch cộng đồng tại cù lao An Bình (Long Hồ).

Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc chia sẻ, DN phải tính toán tiết giảm các chi phí, chấp nhận lợi nhuận ít hơn để giữ chân khách hàng, nhà phân phối tin tưởng thương hiệu của DN mình.

Hơn nữa, dù đối mặt với nhiều khó khăn, DN vẫn phải thực hiện tăng lương thường niên, đảm bảo chế độ đối với người lao động vì “đó là trách nhiệm, chia sẻ của DN đối với người lao động giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến cho DN”.

Ông Nguyễn Tấn Thụ - Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Putin cho biết: “Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động DN. Sự kết nối, hỗ trợ từ cộng đồng DN, hội doanh nhân giúp DN có thêm khát vọng lớn hơn”.

Theo ông Thụ, so với 1 năm trước, tình hình hoạt động của DN đã tốt hơn, nhất là 3 tháng gần đây sản xuất ổn định và tăng trưởng tốt hơn. “Sau đại dịch COVID-19 người chăn nuôi đã tái đàn, nên sản lượng thức ăn tăng hơn 50%. 9 tháng đầu năm doanh thu của DN đã tăng 140%”- ông Thụ nói.

Theo nhiều DN, sự gắn kết cộng đồng DN trong tỉnh cũng giúp DN vững tin hơn trong quá trình hoạt động. Trong đó, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau; kết nối ngân hàng - DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo nhu cầu.

Hội là nơi lắng nghe, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để trao đổi giải pháp tháo gỡ, cũng như tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Tạo thuận lợi cho hoạt động DN

9 tháng năm 2022, Vĩnh Long triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và hiện nay đã trở về trạng thái bình thường mới.

Các cấp, các ngành cũng đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; thương mại, dịch vụ phục hồi tốt; tổng lượng khách và doanh thu ngành du lịch vượt kế hoạch đề ra.

Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội góp phần tích cực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phục hồi.
Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội góp phần tích cực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phục hồi.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 28,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 28,63%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 33,1%... so cùng kỳ 2021.

Tuy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn không ít khó khăn, nhưng theo đánh giá của Cục Thống kê, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và liên tục đối với công tác cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhà tiếp tục được cải thiện về nhiều mặt.

Các DN của tỉnh được tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hoạt động, ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều DN đã khẳng định được vị thế trong nước, tiếp cận với thị trường quốc tế.

Theo Cục Thống kê, 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 314 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 2.778 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 49,52% về số DN và tăng 41,14% về số vốn đăng ký. Số vốn bình quân 1 DN đăng ký thành lập mới đạt 8,85 tỷ đồng/DN.

Một số DN gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên buộc phải tạm ngừng hoạt động, nhưng cũng ghi nhận có 87 DN phục hồi sản xuất kinh doanh, quay trở lại hoạt động.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra, trong 3 tháng cuối năm, Vĩnh Long tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy DN phục hồi, mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng sản xuất kinh doanh.

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư tham gia đầu tư vào tỉnh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - THẢO TIÊN