Nhà nông tìm hiểu

Cách chữa trị dê chướng bụng

Cập nhật, 05:01, Thứ Ba, 20/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Đàn dê nhà tôi nuôi thỉnh thoảng bị đầy hơi, chướng bụng. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng, trị hiệu quả.

Nguyễn Văn Tùng (Xã Bình Phước- Mang Thít)

Anh Tùng mến!

Dê bị chướng bụng đầy hơi là bệnh thường gặp trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nhiều người chăn nuôi dê lâu năm sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời để giúp đàn dê của mình khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, đối với những người chưa có kinh nghiệm thì rất dễ dẫn đến tình trạng dê bị chết.

Khi phát hiện dê bị chướng bụng đầy hơi, cần xác định nguyên nhân, mức độ để can thiệp kịp thời. Trước hết cần nhận biết các triệu chứng là: Phần bụng trái bị căng lên; dê kêu la nhiều hơn so với bình thường; dê không nhai lại và có sủi bọt ở mép; một số con dê có triệu chứng khó chịu.

Dê bị chướng hơi thường có 2 dạng: Chướng hơi cấp tính nguyên nhân có thể do dê bị dị vật chặn ở vùng thực quản, dạ dày làm cho dê không ợ hơi được dẫn đến chướng bụng.

Can thiệp bằng cách luồn ống cao su xông dạ cỏ để thoát hơi và loại bỏ dị vật, hoặc dùng trô ca chuyên dụng hay kim dài 16 để chọc trô ca vùng hõm hông bên trái để thoái hơi ra ngoài (lưu ý khi chọc thoát hơi dạ cỏ cần để hơi thoát từ từ).

Chướng hơi do thức ăn: Cho dê đứng ở nơi thoáng mát, đầu cao hơn mông. Đồng thời, phải chống sự tạo khí và thoát hơi ra khỏi dạ cỏ bằng cách dùng rượu tỏi chà xát vùng dạ cỏ nhiều lần.

Dùng nõn chuối hơ nóng cho mềm sau đó ngoáy vào cuống họng kích thích phản xạ ợ hơi và cho dê uống 300- 500ml dầu ăn, hoặc 20- 50ml rượu tỏi (uống 1- 2 lần/con/ngày).

Cho dê hoạt động sau khi uống dầu hoặc rượu tỏi sẽ làm giảm sự tạo bọt và tăng cường thoát hơi. Nếu dê bị tê liệt thì nên xoay tròn dê hoặc xoa vuốt vùng dạ cỏ có thể giúp cho dầu phân đều trong dạ cỏ, chống tạo bọt.

Để phòng tránh dê bị chướng bụng đầy hơi, không được cho dê ăn các thức ăn bị ôi thiu, bẩn, nấm mốc; không được thay đổi đột ngột thức ăn của dê trong quá trình nuôi; cỏ thu cắt về cần rửa sạch và phơi tái, đặc biệt là cỏ non sau khi mưa.

BẠN NHÀ NÔNG

Các tin khác: