Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 05:57, Thứ Ba, 09/08/2022 (GMT+7)

 

Nhiều địa phương ứng dụng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay.
Nhiều địa phương ứng dụng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay.

 

Việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp là cơ hội để sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị để thay vào đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin sản phẩm giúp sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà vươn xa và có trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng.

Ứng dụng CĐS trong nông nghiệp

CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và rất quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình CĐS quốc gia.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp CĐS và ứng dụng công nghệ vào hầu hết các lĩnh vực của ngành. Cùng với các giải pháp CĐS và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp của mình.

Sản xuất nông nghiệp đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại khác như: Công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết: Với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ số, nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Thông qua CĐS đã mang đến những giá trị mới và bền vững cho sản xuất nông nghiệp và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này.

Không chỉ vậy, CĐS nông nghiệp đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

“Vĩnh Long là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên người dân thường có tập quán sản xuất tự phát, chưa tuân thủ quy hoạch chung của tỉnh nên gây nhiều khó khăn trong quản lý và hiệu quả chưa cao.

Do đó, việc thực hiện CĐS nông nghiệp là cơ hội để sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị để thay vào đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin sản phẩm giúp sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long vươn xa và có trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng”- ông Liêm cho hay.

Theo đó, thời gian qua, thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long đã góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều mô hình sản xuất mới đã ra đời, trong đó việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp từng bước được hình thành và nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Để định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới theo hướng bền vững, hiệu quả và đột phá, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung tăng cường ứng dụng các quy trình khoa học công nghệ cao vào sản xuất.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp- PTNT cũng đã phối hợp liên kết hỗ trợ giải pháp kỹ thuật “ứng dụng dụng cụ bay trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật”.

Từng bước khắc phục hạn chế CĐS trong nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ngoài kinh phí hỗ trợ từ các dự án sự nghiệp bằng nguồn ngân sách tỉnh thì hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã tự đầu tư xây dựng được nhiều mô hình nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới tiết kiệm (lĩnh vực trồng trọt), trang bị chuồng lạnh, ao sạch trên bể lót bạt (lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản) để sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng; một vài mô hình hướng theo quy trình sản xuất hữu cơ như sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái,... đã được hình thành và phát triển.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc đẩy mạnh và tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp với nông dân thực hiện theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc CĐS trong nông nghiệp ở Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, các mô hình trình diễn này chỉ mới ở mức quy mô nhỏ, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ số còn nhiều hạn chế và hầu hết dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần.

Vì vậy, trong thời gian tới cần được quan tâm tháo gỡ và đầu tư nhiều hơn để giúp công tác CĐS này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Trong đó, cần tập trung sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 1/12/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2030.

Theo ông Liêm, tiềm năng CĐS trong nông nghiệp còn rất lớn. Công tác CĐS nông nghiệp đang nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp.

Song đẩy mạnh CĐS nông nghiệp trong thời gian tới cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành liên quan. Những người hưởng lợi trực tiếp từ CĐS, từng doanh nghiệp, nông dân phải có trách nhiệm, tích cực tham gia vào xây dựng dữ liệu để tạo ra kho dữ liệu khổng lồ đáp ứng CĐS nông nghiệp.

“CĐS là một tất yếu của thời đại, nhưng đó là quá trình vừa khó khăn, vừa phức tạp, đòi hỏi mỗi người trong chuỗi sản xuất phải thay đổi nhận thức, có quyết tâm và khát vọng.

Chính quyền địa phương với vai trò là người định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ và thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Do vậy kế hoạch thực hiện phải phù hợp với từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực, không được vội vàng cũng không chậm chạp thì mới thành công”- ông Liêm nhận định.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ số, nhất là các mô hình tưới nước tiết kiệm. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 3.950ha (chiếm khoảng 3,3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp); lĩnh vực chăn nuôi có 1,43 tỷ con gia cầm (chiếm khoảng 13,4% tổng đàn); 14.000 con heo (chiếm khoảng 5,6% tổng đàn); 25ha nuôi thủy sản (chiếm khoảng 3,1% diện tích nuôi thủy sản). Trong số này, huyện Mang Thít có nhiều mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, Long Hồ nhiều mô hình trong nuôi thủy sản, huyện Trà Ôn có mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị trồng hoa lan, dưa lưới; các huyện còn lại có hệ thống nhà màng và tưới phun trên rau màu, cây ăn trái…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: